"Lương tháng 13" và những điều cần biết

 

Vào độ cuối năm, người lao động hầu hết đều mong chờ “lương tháng 13” từ các doanh nghiệp để trang trải cho cuộc sống, chăm lo cho một cái tết đầy đủ, ấm cúng hơn. Dưới đây là những điều cần biết về "lương tháng 13" mà người lao động cần lưu ý.

Chi tiết bảng lương công chức từ 1/7/2023 theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả "lương tháng 13" cho người lao động?

Pháp luật hiện hành không quy định khái niệm “lương tháng 13” mà đây là cách gọi thông thường nhằm nói đến khoản tiền thưởng cuối năm dành cho người lao động. Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Đồng thời, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định.

Chính vì vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải trả "lương tháng 13" cho người lao động.

"Lương tháng 13" có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) có quy định tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công được xem là khoản thu nhập chịu thuế.

Chính vì vậy, người lao động nhận tiền "lương tháng 13" phải có trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Có phải đóng bảo hiểm xã hội khi nhận "lương tháng 13"?

Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) có quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động,...

Từ đó có thể thấy rằng, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội khi nhận "lương tháng 13".