Mới: Dự thảo về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

 

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, để thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại, là cơ sở để Thừa phát lại tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại, nâng cao uy tín của Thừa phát lại, góp phần tôn vinh nghề Thừa phát lại trong xã hội. Thông qua Dự thảo Thông tư về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành có một số nội dung nổi bật như sau:

1. Quan hệ của Thừa phát lại với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại

1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp; giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

2. Có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, tận tâm và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hành nghề trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, bảo đảm bí mật nghề nghiệp, vì sự phát triển bền vững của nghề Thừa phát lại.

3. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót trong hành nghề, Thừa phát lại có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn nhưng không được hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp và báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây tổn hại đến thanh danh nghề nghiệp.

4. Chấp hành các nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên, đóng phí thành viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà mình là thành viên.

5. Hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào nghề; tăng cường trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp, giúp nhau cùng tiến bộ.

6. Tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội khác do Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề Thừa phát lại.  

2. Những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại

1. Xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại.

2. Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc Văn phòng mình trong hành nghề trước Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.

3. Tiến hành bất kỳ hành vi quảng cáo bản thân và Văn phòng của mình không đúng quy định của pháp luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.

5. Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu mà mình không đảm nhận.

6. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.

7. Các hành vi khác trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.

3. Quan hệ với người tập sự hành nghề Thừa phát lại

1. Thừa phát lại có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người tập sự hành nghề Thừa phát lại.

2. Thừa phát lại hướng dẫn tập sự không được thực hiện những việc sau:

a) Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình hướng dẫn;

b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người tập sự;

c) Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự;

d) Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.

4. Quan hệ với cơ quan thi hành án dân sự

1. Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong công việc hướng tới hiệu quả công việc cao nhất; vì mục tiêu phát triển nghề nghiệp.

2. Không có hành vi sai trái, lệch chuẩn nào gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của cơ quan thi hành án dân sự.

3. Không có hành vi thông đồng, câu kết với người của cơ quan Thi hành án trong quá trình hành nghề, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu và các bên liên quan.

4. Tích cực trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các công việc được giao với cơ quan thi hành án dân sự.

5. Khi phát hiện người của cơ quan Thi hành án có hành vi sai phạm trong thực thi công vụ thì phải có trách nhiệm báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

6. Trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận tống đạt đã ký với cơ quan thi hành án dân sự.

5. Quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân

1. Tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động hành nghề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo phục vụ hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân theo quy định.

2. Nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời trong việc tổ chức thi hành đúng nội dung các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân được yêu cầu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Tòa án nhân dân trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

3. Có trách nhiệm cùng với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án chính xác, đúng pháp luật để tổ chức thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

4. Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong việc xem xét, đánh giá tính xác thực của vi bằng.

5. Trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận tống đạt đã ký với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

Ngoài ra, đối với cá nhân và tổ chức khác thì Thừa phát lại phải tuân thủ quy định của pháp luật trong khi làm việc với các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức khác; có thái độ lịch sự, tôn trọng cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ, liên hệ công tác.