Quán triệt nhân viên y tế phải đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”

  Trước đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu 41 triệu mũi tiêm chủng COVID-19 đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực (do sai sót các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh,....) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số 80 triệu dữ liệu mũi tiêm chưa thể xác thực.

Để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Tổ công tác Đề án 06 của các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung, cụ thể trong Công văn 1975/BYT-CNTT về việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.

Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin và “Hộ chiếu vắc xin” khi tham gia tiêm chủng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung thông qua Công văn 2228/BYT-CNTT năm 2022 cụ thể chú ý nội dung:

Quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và “Hộ chiếu vắc xin” không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.

Giao Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng chủ động thực hiện truyền thông tới toàn dân được biết về quyền được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và “Hộ chiếu vắc xin” khi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế quán triệt tới tất cả các tổ chức/cá nhân có liên quan không được gây khó khăn cho người dân trong việc cấp chứng nhận tiêm chủng và xác nhận "Hộ chiếu Vắc xin", nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.