‘Làm khó’ phi công nghỉ việc: Bộ GTVT có trái luật?

Thứ Sáu, ngày 21/9/2018 - 06:20

(PL)- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng Bộ GTVT quy định người lao động nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái pháp luật.

Trong năm qua, hàng chục lá đơn kêu cứu đã được các phi công Vietnam Airlines gửi đi. Họ cho rằng việc Thông tư 41/2015 (nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017) của Bộ GTVT yêu cầu người lao động (NLĐ) (phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động (BLLĐ). Trong khi đó, Bộ GTVT khẳng định quy định trên là đúng luật.

“Từ trước đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa bao giờ đồng tình với Bộ GTVT khi đưa ra quy định nhân viên hàng không có trình độ cao nghỉ việc phải báo trước 120 ngày”. Đó là khẳng định của ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

Không thể tự quy định thay luật

. Phóng viên: Nhưng thưa ông, trong Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, Bộ GTVT vẫn giữ nội dung này…

‘Làm khó’ phi công nghỉ việc: Bộ GTVT có trái luật? - ảnh 1
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH

+ Ông Hà Đình Bốn: Tại khoản 3 Điều 37 BLLĐ 2012 quy định rõ: “NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”. Luật quy định vậy và không ai có quyền bắt NLĐ báo trước vượt thời gian quy định này.

Do vậy, việc Bộ GTVT quy định NLĐ nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày là trái quy định pháp luật. Trong các văn bản góp ý hay trả lời Bộ GTVT, chúng tôi chưa bao giờ đồng ý quy định trên.

. Bộ GTVT cho rằng BLLĐ chỉ quy định mức tối thiểu nhưng không quy định tối đa, thưa ông?

+ Trong BLLĐ không quy định tối đa nhưng không vì thế mà Bộ GTVT được phép đưa ra quy định đó. Cũng đừng nhầm tưởng BLLĐ quy định thiếu, chỉ có tối thiểu không có tối đa. Ban soạn thảo luật đưa ra quy định trên có thể thấy đây là điều luật tùy nghi, mục đích tạo ra khoảng trống để tiện cho NLĐ lựa chọn. Nếu quy định tối đa sẽ tước quyền lựa chọn của NLĐ.

Pháp luật không được suy diễn theo kiểu “anh không quy định nên tôi quy định”. Nếu BLLĐ không quy định mà anh tự quy định như vậy là trái luật.

‘Làm khó’ phi công nghỉ việc: Bộ GTVT có trái luật? - ảnh 2
Nhiều phi công của VNA bức xúc với quy định “nghỉ việc phải báo trước 120 ngày”. (Ảnh  minh họa cắt từ clip)

Bộ Tư pháp cần vào cuộc

. Bộ GTVT lập luận rằng phi công là nghề đặc thù nên cần có quy định trên, ông nghĩ sao?

+ Đặc thù cũng không được trái với quy định của pháp luật về lao động. Tức Bộ GTVT không được làm trái một đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Trường hợp lập luận đặc thù thì phải chứng minh được thế nào là đặc thù, đã có quy định chưa. Bộ GTVT đã hỏi ý kiến của các đối tượng bị tác động (phi công) xem họ có đồng ý không? Nếu chưa có quy định thì Bộ GTVT không được làm. Nhà nước chỉ được làm điều mà pháp luật quy định, còn công dân có quyền làm tất cả điều mà pháp luật không cấm.

 . Trong luật không quy định vậy nhưng trong hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên có được đưa quy định phải báo trước 120 ngày vào không, thưa ông?

+ Trong BLLĐ có một chương riêng cho quy định này. Trong đó các bên ký HĐLĐ phải tuân theo BLLĐ, không được có các quy định khác BLLĐ. Nếu quy định khác là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động đưa vào trong HĐLĐ quy định nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái luật.

- Đầu năm 2015, nhiều phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines xin nghỉ việc vì cho rằng mức lương hãng trả thấp. Lúc đó, lãnh đạo Bộ GTVT có chỉ thị yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

- Ngày 12-8-2015, Bộ GTVT ra Thông tư 41, trong đó có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.

- Trong năm 2016-2017, các phi công liên tục viết đơn kêu cứu, cho rằng quy định thời gian nghỉ việc phải báo trước 120 ngày trong Thông tư 41/2015 là trái với BLLĐ 2012.

- Chiều 2-6-2018, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định quy định trên của Bộ GTVT là hợp lý.

- Ngày 5-9, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) tiến hành xem xét nội dung về quy định nhân viên hàng không trình độ cao muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.

Riêng hợp đồng đào tạo, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận dân sự với nhau nhưng cũng không được trái luật.

. Bộ LĐ-TB&XH khẳng định quy định của Bộ GTVT là trái luật nhưng Bộ GTVT nói không, vậy phải làm sao để ngã ngũ?

+ Đúng là việc này đến lúc cần có “trọng tài” để phân xử đúng, sai và tôi cho rằng Bộ Tư pháp là cơ quan cuối cùng phải đưa ra “phán quyết”. Nếu Bộ Tư pháp không làm được phải báo cáo lên Chính phủ và trên Chính phủ còn có các cơ quan giám sát của Quốc hội.

Có người bảo tôi cần phải thông cảm nhưng pháp luật không cho phép điều đó. Pháp luật là giấy trắng mực đen, không thể cho phép luật chuyên ngành lấn át luật gốc được. Luật do Quốc hội ban hành, nếu Bộ GTVT muốn đưa ra quy định khác luật thì phải xin ý kiến Quốc hội.

. Là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, theo ông nếu quy định trên là bất hợp lý thì Bộ LĐ-TB&XH có kiến nghị gì không?

+ Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo sửa BLLĐ. Trường hợp quy định hiện hành chưa hợp lý, nhiều người phản ứng thì đơn vị phải lắng nghe và xem xét bổ sung chứ không bảo thủ. Nhưng phải đánh giá tác động trên nguyên tắc quy định có lợi cho số đông. Tôi cũng biết nhiều phi công không đồng tình với quy định của Bộ GTVT. Có nghĩa là họ thích quy định của BLLĐ hiện hành. Pháp luật quy định như hiện nay là hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn.

. Xin cám ơn ông.

Bộ GTVT nói gì?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ GTVT tiếp tục khẳng định quy định báo trước 120 ngày là hợp lý, tương tự các phát biểu trước đây của lãnh đạo Bộ GTVT.

Theo vị này, Luật Hàng không dân dụng đã giao thẩm quyền cho Bộ GTVT quy định về chế độ lao động đặc thù với nhân viên hàng không. Hai thông tư 41/2015 và 21/2017 được Bộ ban hành nhằm điều chỉnh NLĐ trong lĩnh vực hàng không - một lĩnh vực đặc biệt vì liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh hàng không..., phải tuân thủ các hiệp định, nghị định rất khắt khe của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO. Hơn nữa, công tác đào tạo các nhân viên hàng không, đặc biệt là phi công, thực sự rất mất thời gian và qua nhiều quy trình.

“Theo quy định của hai thông tư trên, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước 120 ngày. Còn BLLĐ quy định NLĐ ký hợp đồng không thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy BLLĐ chỉ quy định mức độ tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với luật khác cùng nội dung liên quan đến hàng không thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước được ưu tiên sử dụng các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam vì sự an toàn của ngành hàng không” - vị này nói.

VIẾT LONG

Nguồn Pháp Luật


Tin tức liên quan

  • ‘Làm khó’ phi công: Bộ GTVTđã làm trái luật
  • Thứ Hai, ngày 24/9/2018 - 06:20
  • (PL)- Một khi Quốc hội đã pháp điển hóa thành bộ luật thì các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động cần căn cứ vào Bộ luật Lao động.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn