‘Vua cá tra’ Hùng Vương lao đao vì thua lỗ

Thứ Bảy, ngày 21/4/2018 - 05:00

(PL)- Từng được mệnh danh là “vua thủy sản” nhưng hiện Hùng Vương đang chật vật tìm cách để thoát nợ, giảm lỗ…

Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 tổ chức ngày 20-4, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG), cho biết ông cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành các cam kết với cổ đông và từng nghĩ đến chuyện trong trường hợp xấu nhất sẽ bán toàn bộ tài sản để tất toán hết nợ nần và để có nguồn tiền trả lại cho cổ đông.

“Cái xấu hổ này nói thực với cổ đông tôi vô cùng mệt mỏi, chiến lược nó không như kỳ vọng. Ban lãnh đạo đã rất mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của HVG” - ông Minh chia sẻ.

Thăng trầm vì lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn

Hùng Vương từng được mệnh danh là “vua cá tra”, “vua thủy sản” với việc sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, công suất lên tới 400.000 tấn/năm… Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thể hiện trong báo cáo tại đại hội cho biết kết thúc năm tài chính 2017, Hùng Vương lỗ đến 713 tỉ đồng. Có thời điểm giá cổ phiếu của công ty chỉ quanh mức trên dưới 4.500 đồng mỗi cổ phiếu.

Tại sao Hùng Vương rơi vào tình trạng khó khăn đến như vậy? Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam chỉ rõ: “Hùng Vương đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Khi thị trường biến động tiêu cực, dự án không sinh lời thì không thể gánh các khoản nợ nần. Nói cách khác, Hùng Vương rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính”.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh thừa nhận: Công ty tất toán dần các khoản nợ nhưng ngân hàng cứ thu tiền mà không đề cập đến các hợp đồng tín dụng mới. Vì không có nhiều vốn lưu động mới, Hùng Vương phải dừng đầu tư các dự án, không thể đưa nhanh vào hoạt động để tìm kiếm dòng tiền.

“Trong khi các dự án còn dở dang chưa thể tạo ra lợi nhuận thì công ty vẫn phải gồng gánh chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày. Chưa kể thị trường xuất khẩu rơi vào tình trạng khó khăn khiến kết quả kinh doanh của công ty không mấy sáng sủa” - ông Minh nói.

Một nguyên nhân khác là do thiếu hụt nguyên liệu cá tra chế biến buộc các nhà máy giảm 50% công suất, chỉ hoạt động cầm chừng.

‘Vua cá tra’ Hùng Vương lao đao vì thua lỗ - ảnh 1
Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh (giữa): “Ban lãnh đạo đã mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của công ty”. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Lối thoát: Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi

Cổ đông tên Tùng, người đã bỏ thời gian, tiền bạc bay từ Hà Nội vào TP.HCM, vẫn giữ cổ phiếu Hùng Vương chất vấn ban lãnh đạo công ty: “Liệu công ty có vượt qua được khó khăn hay không?”. Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh nói: “Khó khăn đã qua rồi, vì kinh doanh đã xuống tận đáy, tận cùng của gian truân”.

Chủ tịch HĐQT HVG cũng cho biết: Hùng Vương tiếp tục hoàn thành các trang trại nuôi heo giống để sau khi hoàn tất sẽ thoái vốn tại đây với giá cao nhiều lần giá vốn đầu tư; bán hai kho lạnh cũ khoảng 250 tỉ đồng để dồn tiền tiếp tục đầu tư vào hệ thống kho lạnh mới; bán bớt 300 ha vùng nuôi trong 1.200 ha hiện có...

Một cổ đông chất vấn tiếp: Vậy Hùng Vương sẽ kiếm tiền từ lĩnh vực kinh doanh nào nếu đã và sẽ bán quá nhiều tài sản hiện có? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Công ty Hùng Vương cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào hai mảng chính, cốt lõi là nuôi trồng và chế biến cá tra. Còn tại các lĩnh vực khác đang tiến hành tất toán hoặc mời đối tác mua lại”.

Trước các phương án của Hùng Vương, TS Đinh Thế Hiển cho rằng: Việc tái cơ cấu nợ có thể thực hiện bằng hàng loạt phương pháp như bán bớt tài sản để trả nợ, tiếp tục thực hiện các dự án để có doanh thu, hoặc thoái vốn khỏi các công ty tốt để kiếm dòng tiền tốt. Mọi biện pháp là bước đi mạnh mẽ và hợp lý nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn để từ đó duy trì tài sản, thương hiệu công ty một cách bền vững hơn.

“Vì nếu không làm như vậy thì gần như toàn bộ doanh thu tạo ra chỉ để giải quyết chi phí lãi vay mà không chi trả được nợ gốc. Nếu cứ tiếp tục hoạt động mà không tính đến tái cấu trúc nợ thì doanh nghiệp hầu như chỉ đem lại lợi ích cho các chủ nợ” - TS khuyến nghị.

Kỳ vọng thị trường Trung Quốc

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, thông tin đến thời điểm hiện nay, việc dàn xếp vay vốn giữa ngân hàng và công ty đã ổn thỏa. Ngân hàng đã đồng ý bơm vốn tiếp tục cho các dự án đang đầu tư dở dang.

Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện công ty không xuất được một container cá tra vào thị trường Mỹ do việc đánh thuế chống bán phá giá quá cao của Mỹ. Nhưng thị trường Trung Quốc đang đỡ lại. Hiện Hùng Vương đang bán rất tốt loại cá tra xẻ bướm với giá 53.000 đồng/kg.

PHƯƠNG MINH



Tin tức liên quan

  • Bắt hơn 18 tấn tôm có chứa tạp chất
  • Thứ năm, 19/07/2018 - 13:20
  • Từ năm 2017 cho đến nay, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và bắt hơn 18 tấn tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn