“Ông lớn” Vinachem báo lỗ nặng, loạt đại dự án gặp vấn đề | Báo Dân trí

Thứ hai, 05/10/2020 - 15:19

Báo cáo tài chính hợp nhất niên độ đã qua soát xét của Vinachem cho thấy, trong 6 tháng đầu năm "ông lớn" này gánh khoản lỗ rất nặng. Cùng với đó là loạt vấn đề kiểm toán lưu ý.

“Ông lớn” Vinachem báo lỗ nặng, loạt đại dự án gặp vấn đề - 1

Nếu tính riêng công ty mẹ Vinachem thì khoản lỗ là gần 860 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

 Vinachem báo lỗ nặng

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2020.

Báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Vinachem ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 18.128 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính kỳ này cũng giảm, chỉ đạt 195 tỷ đồng, tương đương giảm 41% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí tài chính của Vinachem lên đến 1.121 tỷ đồng. Tính riêng chi phí lãi vay đã hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản chi phí doanh nghiệp tăng, chi phí bán hàng có giảm nhưng không đáng kể.

Sau khi trừ đi các chi phí, Vinachem báo lỗ 796,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lãi hơn 218 tỷ đồng.

Nếu tính riêng công ty mẹ thì khoản lỗ là gần 860 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Vinachem ở mức 52.037 tỷ đồng, giảm so với con số 44.070 tỷ đồng hồi đầu năm. Còn nợ phải trả là 34.947 tỷ đồng, giảm so với con số 35.921 tỷ đồng đầu năm.

Kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ

Tại báo cáo này, Công ty Hãng Kiểm toán AASC đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với các vấn đề liên quan đến tài chính của Vinachem.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, một số dự án của Vinachem như: Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Còn Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

"Với các tài liệu được cung cấp, chúng tôi không đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên đến báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tập đoàn", Kiểm toán lưu ý.

Cũng theo công ty kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2020, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc phản ánh Nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.

Những sự kiện này, cùng với một số vấn đề khác, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc.

"Chúng tôi không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các đơn vị nêu trên có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn hay không. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu Báo cáo tài chính giữa niên của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2020 đang được hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tập đoàn với giả định các đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không", Kiểm toán AASC nhấn mạnh.

Cũng theo đơn vị kiểm toán này, một số khoản vay ngân hàng của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã quá hạn thanh toán. Trong đó: Số dư nợ gốc quá hạn là 1.064 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 608 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay là "Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày" đã tạm bàn giao cho Công ty Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Nguyễn Mạnh



Tin tức liên quan

  • Những thương hiệu nào vẫn 'ăn nên làm ra' trong đại dịch?
  • 15/10/2021 14:15
  • Tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2021 vừa được công bố cho thấy các ngành tài chính, bất động sản - xây dựng và ngành thực phẩm đồ uống tiếp tục hoạt động hiệu quả, bất chấp dịch COVID-19.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn