94 người bị phản ánh chưa đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư

01/03/2018 18:58 GMT+7

TTO - 94 người bị phản ánh không đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư là thông tin mới nhất do Cổng thông tin Chính phủ cung cấp về kết quả rà soát ban đầu việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư.

94 người bị phản ánh chưa đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết trường hợp khiếu nại chức danh giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được giải quyết theo pháp luật khiếu nại, tố cáo - Ảnh: Lê Kiên

Trước đó, Bộ trưởng, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng có chút nhầm lẫn khi trả lời báo chí chiều tối 1-3 về thông tin kết quả rà soát ban đầu vừa được Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1-3.

Như vậy, trong số 1.226 người được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, có 94 người bị phản ánh là chưa đủ điều kiện như còn thiếu giờ giảng, thiếu nghiên cứu khoa học...

Đến thời điểm này, chưa có kết luận chính thức về việc những người này có đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư hay không.

"Thủ tướng yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, lãnh đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát nghiêm túc, báo cáo tại một phiên họp thường trực Chính phủ tới đây" - ông Mai Tiến Dũng nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 1-3, các phóng viên đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trong thời gian qua.

- Xin hỏi đại diện Bộ GD-ĐT số lượng giáo sư, phó giáo sư được phong vừa qua rất lớn, dư luận phản ứng, Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo, vậy Bộ đã báo cáo như thế nào?

- Xin hỏi là trong bối cảnh Chính phủ đề cao xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển, tức là các thành viên Chính phủ phải tập trung cho công tác điều hành, vậy Chính phủ có khuyến khích các thành viên bỏ thời gian để làm các chức danh giáo sư, phó giáo sư không ?

- Có thông tin về việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có trong danh sách rà soát lại chức danh giáo sư vì có khiếu nại, xin hỏi là nội dung khiếu nại đó như thế nào?

Phúc đáp các câu hỏi trên, thứ trưởng Bộ GĐ-DT Phạm Mạnh Hùng cho biết số lượng người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017 có nhiều hơn các đợt trước.

Lý do là thời gian tăng của đợt xét duyệt này tăng thêm 6 tháng, các ứng viên có thêm điều kiện để viết các bài báo khoa học, các công trình, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh.

Hơn nữa, trong thời gian qua, nhằm mục đích tăng thêm chất lượng đào tạo, các trường đại học, cơ sở giáo dục chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên. Do đó đội ngũ giảng dạy có quá trình tích luỹ các điều kiện để trở thành ứng viên cho các chức danh này.

"Năm 2016 chỉ có 2.510 bài được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, thì đến năm 2017 số này là 5.316 bài, tăng lên rất nhiều. Năng lực ngoại ngữ cũng tăng lên rất nhiều, có những ứng viên nói thành thạo 2-3 ngoại ngữ" - thứ trưởng Hùng cho biết.

Vẫn theo ông Hùng, tổng số người được công nhận giáo sư, phó giáo sư trong đợt xét vừa qua là 1.226 người, đạt tỷ lệ hơn 76% đáp ứng điều kiện trên tổng số đăng ký, tỷ lệ này cũng tương đương các năm trước.

"Trước dư luận về vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại, nếu trường hợp nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì kiên quyết loại. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã thành lập tổ công tác để rà soát, đảm bảo khách quan của quá trình rà soát" - ông Hùng giải thích.

Ông Hùng cũng nói thêm: "Trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo thì xem xét theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo. Kết quả chính thức sẽ được bộ báo cáo Thủ tướng và thông tin với báo chí trong thời gian tới. Về trường hợp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu có đơn thư khiếu nại tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo".

94 người bị phản ánh chưa đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 2.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết có 94 người chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được công nhận giáo sư, phó giáo sư - Ảnh: Lê Kiên

Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cung cấp thông tin rất quan trọng: "Vừa qua khi có danh sách 1.226 người được công nhận giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng đã chỉ đạo Hội đồng chức danh rà soát lại danh sách này. Hôm nay Bộ GD-ĐT đã có báo cáo bước đầu, trong đó có 94 ứng viên bị phản ánh chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn như thiếu giờ giảng, thiếu bài báo nghiên cứu khoa học".

"Hội đồng phải tiếp tục rà soát nghiêm túc. Ngay cả giáo sư có báo cáo giảng dạy thì giảng ở đâu, lúc nào, có hợp đồng giảng dạy không? Ngoại ngữ đạt trình độ nào, có giao tiếp được không? Thủ tướng biết hết. Thủ tướng yêu cầu tới đây tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ thì Bộ GD-ĐT phải báo cáo cụ thể vấn đề này".

Người phát ngôn Chính phủ nói thêm: "Thế còn lãnh đạo, công chức có được khuyến khích làm giáo sư, phó giáo sư không? Tôi muốn nói là ở đây phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì làm hồ sơ đề nghị Hội đồng công nhận là giáo sư, phó giáo sư".



Tin tức liên quan

  • Quan chức có nên 'chạy đua' làm giáo sư?
  • 03/03/2018 10:03 GMT+7
  • TTO - Câu chuyện về giáo sư, phó giáo sư tiếp tục nóng lên khi người ta phát hiện trong số giáo sư, phó giáo sư được công nhận đạt chuẩn năm 2017 có không ít vị là quan chức.

  • 'Trả lại tên' cho giáo sư, phó giáo sư
  • 05/03/2018 09:17 GMT+7
  • TTO - Nhiều quan chức ở Việt Nam dành thời gian làm giáo sư, phó giáo sư trong khi công việc quản lý bận rộn và nặng nề. Họ có nên đồng thời là giáo sư, phó giáo sư hay không?


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn