Ai có quyền xét lại bản án vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu?

Thứ tư, 16/5/2018, 16:22 (GMT+7)

Theo luật sư, chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM có quyền ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu.

Bốn ngày sau khi giảm án cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo về tội Dâm ô đối với trẻ em, bản án phúc thẩm do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tuyên đã bị TAND Cấp cao tại TP HCM "rút" hồ sơ để xem xét.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngay sau đó đã kiến nghị gửi Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét lại kết quả xét xử vụ án này. Đại biểu Quốc hội và cơ quan bảo vệ trẻ em cũng nêu quan điểm không đồng tình với lý do giảm án.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, theo luật sư Vinh sau khi rút hồ sơ và nghiên cứu mà Chánh án TAND Tối cao hay Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM xét thấy có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (cho bị cáo hưởng án treo) thì có quyền ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong vụ án này, thẩm quyền xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm thuộc về Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao.

Luật sư cho hay khi xét xử giám đốc thẩm, sẽ có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm khi xét thấy bản án đó có căn cứ và đúng pháp luật (khả năng này rất khó xảy ra).

Thứ hai, hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm (18 tháng tù treo) và giữ nguyên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm (ba tù giam).

Thứ ba, hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Tùy theo tính chất vụ án mà Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Khi xét xử lại (dù ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm), hội đồng xét xử đều có quyền tăng hình phạt so với bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên đối với bị cáo trước đó nếu thấy rằng việc tăng hình phạt là đúng đắn.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.

3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.



Tin tức liên quan

  • Chánh án TAND Tối cao: “Đặc xá thời gian qua có vẻ làm hơi quá”
  • Thứ hai, 11/06/2018 - 11:59
  • Dẫn chứng việc 10 năm đặc xá trên 85 nghìn người, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội: “Đặc xá trong thời gian qua có vẻ làm hơi quá”. Hội đồng xét xử để tăng án thêm 6 tháng thì phải họp cân nhắc và chịu trách nhiệm rất lớn, trong khi mỗi đợt đặc xá lên tới khoảng 10.000 người.

  • Bắt giam nguyên Chánh án TAND tỉnh, điều tra tội tham ô tài sản
  • Thứ bảy, 15/09/2018 - 19:04
  • Ngày 15/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở đối với Lê Văn Phước (trú ở thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa - nguyên chánh án TAND tỉnh) về tội tham ô tài sản.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn