Ai được dự hội nghị nhà chung cư?

16/11/2019 10:54

Nhiều hội nghị nhà chung cư tại TP.HCM bất thành do không đủ số người tham dự. Việc ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư như thế nào cho đúng quy định để hội nghị diễn ra suôn sẻ đang là chuyện có nhiều ý kiến trái chiều.

Ai được dự hội nghị nhà chung cư? - Ảnh 1.

Cư dân biểu quyết bầu ban quản trị tại chung cư ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Tôi là cư dân chung cư Florita, Q.7, TP.HCM. Hội nghị nhà chung cư lần 2 chung cư này vào sáng 10-11-2019 suýt nữa lại bất thành. 

Với tỉ lệ 59% đại diện chủ sở hữu căn hộ có mặt, trong đó có đến 23% tham dự hội nghị với tư cách ủy quyền, đại diện UBND Q.7 đề nghị hoãn hội nghị do đa số giấy ủy quyền tham dự hội nghị chưa qua thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định của Sở Xây dựng TP.HCM.

Cư dân có mặt tại hội nghị đã bức xúc vì hội nghị đã một lần bất thành do không đáp ứng điều kiện đủ số người tham dự theo quy định. Sau nhiều ý kiến quyết liệt của cư dân, hội nghị vẫn được diễn ra nhưng tính hợp pháp của hội nghị nhà chung cư lần này có được công nhận hay không thì cư dân còn phải chờ đợi câu trả lời từ UBND Q.7.

Nhiều cư dân đặt vấn đề có nên bắt buộc thủ tục công chứng, chứng thực đối với giấy ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư hay không? Đây thật sự là một vấn đề gây tranh cãi tại nhiều cấp thừa hành. Nhất là trong tình hình chung các hội nghị nhà chung cư luôn lo ngại không đáp ứng quy định về số người tham dự, được cho là quá cao, không phù hợp thực tiễn (lần 1 và lần 2 lần lượt là 75% và 50% đại diện chủ sở hữu).

Thực tế, nhiều hội nghị nhà chung cư tại TP.HCM thời gian qua đã bỏ qua khâu kiểm soát công chứng, chứng thực đối với giấy ủy quyền tham dự do yêu cầu này vấp phải sự phản đối từ hầu hết cư dân có nhu cầu. Nhiều cư dân cho rằng làm vậy phát sinh chi phí, thời gian, công sức. 

Với tính chất, nội dung của hội nghị nhà chung cư như hiện nay thì việc ủy quyền tham dự chỉ cần mang tính thay mặt, nhân danh, đại diện chủ sở hữu. Các văn bản pháp luật quy định về các văn bản phải công chứng, chứng thực hiện nay chưa bắt buộc phải chứng thực giấy ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư.

Nếu cho rằng yêu cầu thủ tục công chứng, chứng thực nhằm bảo vệ quyền lợi cư dân thì điều này không cần thiết. Bởi lẽ, với những người thực sự quan tâm đến quyền biểu quyết, bầu cử, đóng góp ý kiến tại hội nghị nhà chung cư họ sẵn sàng tham dự hoặc ý thức quản lý việc ủy quyền của mình một cách chặt chẽ. 

Nếu mức độ quan tâm không đủ lớn thì việc công chứng, chứng thực hay không cũng không có ý nghĩa gì. Đa phần trong trường hợp này họ chọn sự vắng mặt. Hậu quả không chỉ là sự tốn kém, thiệt hại không nhỏ trong trường hợp hội nghị nhà chung cư nhiều lần không thành, mà quan trọng hơn hết, có thể ảnh hưởng (chiều hướng tệ hơn) chất lượng biểu quyết ở hội nghị lần sau.

Đành rằng việc ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư là một giao dịch dân sự có phát sinh quyền và nghĩa vụ (cụ thể theo nội dung hội nghị) nhưng việc phát sinh quyền và nghĩa vụ này đơn thuần thuộc về một phía là chủ sở hữu hay người sử dụng căn hộ và hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ quan tâm của chủ thể này, pháp luật không nhất thiết phải ràng buộc.

Quy định công chứng, chứng thực giấy ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư nếu có, chỉ nên dừng lại ở mức độ khuyến khích, nhằm tránh một sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội. Tiếc rằng, dự thảo thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư mới đây (quý 3-2019) của Bộ Xây dựng đang triển khai, xây dựng vẫn đang bỏ ngỏ điều này.

Việc không nên chối từ

Nhiều nơi đã không thể tổ chức thành công được hội nghị nhà chung cư lần đầu, không thành lập được ban quản trị để chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung 2%. Điều này dễ dẫn đến những tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi, thậm chí xung đột giữa cư dân với ban quản trị nhà chung cư lẫn chủ đầu tư.

Dự thảo thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng, ngoài vấn đề quỹ bảo trì, nội dung khác dự thảo đưa ra cũng được nhiều người quan tâm đó là việc giảm tỉ lệ các chủ căn hộ tham gia hội nghị nhà chung cư từ 75% lần đầu, xuống còn 50%.

Bên cạnh đó là quy định chủ sở hữu căn hộ phải ủy quyền bằng văn bản mới được coi là hợp pháp để người khác thay thế mình tham dự hội nghị. Có ý kiến cho rằng thêm thủ tục rắc rối. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng những điểm mới của dự thảo là cần thiết. Bởi từ thực tế, rất ít cư dân tham gia đi họp hội nghị nhà chung cư.

Trong số này có những người mua nhà nhưng không ở, có người vì bận, cũng không ít người không quan tâm, không xem trọng quyền và trách nhiệm của mình với cộng đồng ở chung cư. Việc này gây ảnh hưởng cho hoạt động chung của chung cư.

Chung cư tôi đang sống vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng không ai có ý kiến trong các cuộc họp chính thức do ban quản trị tổ chức. Tuy nhiên sau đó là vô số ý kiến phản bác, chỉ trích trên các diễn đàn mạng xã hội. Bởi lẽ không ít căn hộ cử người giúp việc đi họp theo kiểu chỉ cho có mặt.

Xây dựng nếp sống văn minh ở nhà chung cư là trách nhiệm của mỗi cư dân. Trách nhiệm của cư dân cần được thể hiện một cách có thiện chí, đúng nơi, đúng lúc. Và việc tham gia hội họp để đóng góp cho cộng đồng mình đang sống là chuyện không nên thờ ơ, chối từ. (CHUNG THANH HUY)

Luật sư NGUYỄN THỊ MỸ XUÂN (Đoàn Luật sư TP.HCM)



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn