Ai được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tại TP.HCM?

18/04/2020 10:06

Giáo viên mầm non ngoài công lập tại TP.HCM được hỗ trợ khó khăn ra sao? Ai thuộc diện được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng ở TP? Thủ tục ra sao? Khi nào có thể được nhận tiền?

Ai được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tại TP.HCM? - Ảnh 1.

Trong thời gian chờ nhận tiền hỗ trợ mất thu nhập từ bán vé số, bà Lương Ngọc Muối, 65 tuổi, được phường Tân Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) hỗ trợ gạo và khẩu trang, nước rửa tay - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM đang triển khai gói hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng với những người đã làm việc tại TP.HCM, có đóng BHXH, đang phải ngưng việc không hưởng lương hoặc bị mất việc do dịch Covid-19. Cụ thể ra sao?

* Những ai thuộc diện nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng của TP.HCM? Chúng tôi làm việc cho cơ sở tư nhân, đang phải tạm ngưng việc (không lương) có được hỗ trợ không? Cần điều kiện gì? (Nhiều bạn đọc)

Ông LÊ MINH TẤN (giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) trả lời:

- Đối tượng được hỗ trợ là người lao động (NLĐ) bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ trên địa bàn TP.HCM.

Để được hưởng hỗ trợ này, NLĐ cần đáp ứng một trong các điều kiện sau: có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định tại khoản 5 điều 32 Bộ luật lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 3 điều 116 Bộ luật lao động; bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; đã tham gia BHXH đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Phạm vi thực hiện chính sách hỗ trợ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký kinh doanh đóng trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM, có thuê mướn lao động theo hợp đồng, gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19.

Ngoài ra còn có các trường mầm non ngoài công lập, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đăng ký thành lập, đóng trụ sở chính trên địa bàn TP gặp khó khăn trong hoạt động do dịch Covid-19. 

NLĐ bị ngưng việc không hưởng lương từ một tháng liên tục trở lên (bắt đầu tạm từ ngày 1-2 đến hết 31-5-2020) sẽ nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. 

Tiền hỗ trợ được chi hằng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không lương, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6-2020.

* Để được nhận tiền, NLĐ cần làm thủ tục gì? Khi nào được nhận hỗ trợ? Giáo viên, nhân viên mầm non tư thục nhận hỗ trợ ở đâu? (Ngô Ánh Hồng, Q.12, TP.HCM)

- NLĐ thuộc đối tượng nêu trên cần có đơn đề nghị được hỗ trợ trong thời gian đang tạm ngưng việc hoặc nghỉ không hưởng lương. Đơn gửi đến người sử dụng lao động (hiệu trưởng trường, lãnh đạo công ty, chủ cơ sở sản xuất…). 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập bảng tổng hợp danh sách NLĐ thuộc diện được hưởng hỗ trợ, công khai danh sách tại đơn vị, doanh nghiệp. Sau đó đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận. 

Tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch Covid-19 và thời hạn thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người sử dụng lao động lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Các đơn vị có trụ sở chính trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Các đơn vị khác gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND quận, huyện nơi đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP, UBND quận, huyện thẩm định, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho NLĐ theo đúng danh sách đã được phê duyệt và trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do với những trường hợp không được hỗ trợ.

Với đối tượng giáo viên, Sở Giáo dục - đào tạo TP chỉ đạo các phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện rà soát, thống kê, xác nhận danh sách giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ để tham mưu UBND quận, huyện quyết định hỗ trợ đúng đối tượng. 

Phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện sẽ chuyển kinh phí về UBND phường, xã để hỗ trợ theo danh sách giáo viên, nhân viên tại các trường, nhóm trẻ trên địa bàn phường, xã.

* Chúng tôi làm việc ở cơ sở tư nhân, có HĐLĐ, có đóng BHXH. Trong tháng 3-2020, chủ cơ sở đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ ra sao?

- NLĐ sẽ được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau đây: chấm dứt HĐLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến hết

30-6-2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định (trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng). 

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tiền hỗ trợ được chi hằng tháng theo thực tế NLĐ bị mất việc làm do dịch Covid-19, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6-2020.

NLĐ có nhu cầu hỗ trợ nộp hồ sơ (trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện) đến Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP hoặc UBND quận, huyện (nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp mà NLĐ từng làm việc và đã bị chấm dứt HĐLĐ).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP hoặc UBND quận, huyện thẩm định hồ sơ, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ lao động bị ngừng việc, mất việc thực hiện theo nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày

27-3-2020 của HĐND TP.HCM. TP cũng đã thống kê 18.700 người bán vé số (tính đến ngày 13-4), họ được hỗ trợ 750.000 đồng/người. Sở Lao động - thương binh và xã hội TP cũng đang trình kế hoạch hỗ trợ 35.700 người có công với mức 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng.

Chính phủ đã ban hành gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc triển khai gói an sinh xã hội này thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương (trừ các địa phương không đủ nguồn lực).

Phạm vi, đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội của Chính phủ phần lớn trùng với các đối tượng thụ hưởng theo chính sách của TP.HCM.

Khi Bộ Lao động - thương binh và xã hội có hướng dẫn triển khai cụ thể, với những đối tượng trùng lắp, NLĐ sẽ được nhận gói hỗ trợ có giá trị cao hơn.

MAI HƯƠNG ghi



Tin tức liên quan

  • Dệt lại tấm lưới an sinh xã hội
  • 23/04/2020 09:10
  • Đã hai ngày nay, ông Thực (Tân Phú, TP.HCM) - tổ trưởng tổ dân phố - gõ cửa từng nhà để gửi bản kê khai 'Là người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị dừng, mất việc bởi dịch COVID-19'.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn