Ấn tượng cây bút nhí đoạt giải Dế Mèn

02/06/2022 09:19

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 năm 2022 vinh danh cây bút nhí Nguyễn Vũ An Băng.

Ấn tượng cây bút nhí đoạt giải Dế Mèn - Ảnh 1.

Cây bút nhí Nguyễn Vũ An Băng tại lễ trao giải Dế Mèn - Ảnh: T.ĐIỂU

Với chùm 4 truyện đồng thoại giản dị mà sâu sắc, Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) là 1 trong 5 cây viết được trao giải thưởng Khát vọng Dế Mèn tối 31-5 tại Hà Nội. An Băng khi gửi truyện dự thi bước sang tuổi thứ 9 nhưng thực ra em đã viết những truyện ngắn này khi mới 8 tuổi. Chưa nói tới kỹ thuật viết, câu chữ khá chững chạc so với tuổi lên 8, những tư tưởng nhân văn về cuộc sống trong các truyện ngắn của An Băng khiến nhiều người lớn giật mình.

Những câu chuyện tươi non, thấm đẫm vị nhân sinh

Trong truyện Ai đã gõ vào thân cây, An Băng viết câu chuyện của một cái cây già cỗi sợ hãi mùa đông. Cây háo hức chờ đợi những tiếng gõ cửa của mùa xuân và mùa hè mang đến cho mình đầy nhựa sống, cành lá sum suê, buồn bã sợ hãi tiếng gõ cửa của mùa thu tàn phai và mùa đông lạnh giá. Nhưng một mùa đông nọ, có chú chim tìm đến cây làm tổ, chim không chê cây trơ trụi mà quý trọng cây vững chãi che chở cho mình. Từ đó, cây không còn bận tâm mùa xuân hay mùa đông nữa, chỉ còn những ngày hạnh phúc cùng đàn chim non ríu rít. Cây nhận ra "cây nào cũng thế cả thôi", cũng đều phải đi qua mùa xuân tươi tốt và mùa đông cằn cỗi, nhưng mùa nào cây cũng có thể vững chãi che chở cho bầy chim luôn tin yêu mình.

Truyện Chiếc ô bằng lá, An Băng viết về chiếc lá bàng cô đơn cuối cùng đã chọn cách tự bứt khỏi cành để làm chiếc ô lá che chở cho chú nhím con trong cơn mưa xối xả. Để rồi khi nhím đã an toàn trong nhà mình, lá bàng biết mình đã lìa cây mẹ, sắp héo queo. Chính lúc ấy lá bàng nghe thấy những tiếng cười khúc khích của đám lá bàng khô, chợt vui mừng nhận ra "lá bàng cô đơn sẽ trở thành chiếc ô khi có ai cần đến. Rồi khi khô quắt đi chúng tớ sẽ không còn là lá bàng cô đơn, tất cả sẽ cùng nhau hòa làm một tấm thảm lá ấm êm".

Nhà báo Đỗ Doãn Phương - trưởng ban sơ khảo giải thưởng Dế Mèn - cho biết ban giám khảo đã hết sức bất ngờ trước sự tưởng tượng phong phú của An Băng, báo hiệu một tài năng văn chương với cách cảm, cách nghĩ đặc biệt.

Đọc nhiều tác phẩm văn chương của các cây bút nhí, ông Phương cho biết gần đây nổi lên nhiều cây bút thiếu nhi viết tiểu thuyết, truyện giả tưởng khá máy móc, ông đọc không thấy vị nhân sinh, không thấy cái ngây thơ, trong sáng, ý vị rất con người. Nhưng ở truyện của An Băng, ông thấy những tìm tòi, cách thể hiện tình cảm sâu sắc. Em có cái nhìn độc đáo về cuộc sống, lại thể hiện đúng tâm tư tình cảm của một đứa trẻ.

Về những hoài nghi cho rằng trẻ em không thể viết những câu chuyện với những bài học sâu sắc như vậy, ông Phương khẳng định nếu không phải là thiếu nhi thì không người lớn nào viết được những câu chuyện vừa tươi non vừa thấm đẫm vị nhân sinh như thế, kể cả cây bút người lớn chuyên nghiệp.

Nâng niu thiên nhiên như con người

Tuy bất ngờ trước năng khiếu của An Băng, ông Phương và các giám khảo của giải thưởng Dế Mèn đều khẳng định văn học thiếu nhi hay không bao giờ là bản thấp cấp hơn văn học của người lớn. Cách cảm cách nghĩ của trẻ mang dấu ấn của lứa tuổi mà người lớn không bắt chước, không làm thay được. Chính họ khi lớn lên cũng không chắc viết được như vậy một lần nữa.

Nhà phê bình Văn Giá - giám khảo cuộc thi - cho biết ông rất ấn tượng với năng khiếu dựng truyện của An Băng. Truyện của em có nhân vật, tình huống, lớp lang, quan hệ, có nghĩ ngợi, đối thoại rất sống động. Đặc biệt, văn của em vừa rất hồn nhiên lại có ý tưởng rất nhân văn, nhìn thế giới loài vật đầy thương yêu và nâng niu, nhìn thiên nhiên như con người, có thân phận.

Chị Nhung - mẹ An Băng - cho biết gia đình không ai theo nghiệp viết lách nhưng An Băng có theo học lớp rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và viết. Về những bài học già dặn trong truyện của con, chị Nhung nói có thể do con thấm các bài giảng pháp thoại của một nhà sư mà chị thường mở cho con nghe. Ban đầu con không thích nhưng càng về sau con càng hứng thú, say mê với những bài giảng pháp thoại này.

Chị Nhung và cô giáo của An Băng khẳng định các truyện của An Băng được cô giáo giúp đỡ gợi ý những từ thay thế cho từ dùng chưa hay, hoặc giúp sửa chính tả chưa đúng câu chưa hay, gợi ý cắt bỏ những rườm rà nhưng câu chuyện đều là của con.

Cô Trần Trinh Lan - giáo viên của An Băng - cho biết điểm nổi trội nhất của An Băng không phải là kỹ năng viết trau chuốt, bóng bẩy mà là sự trong sáng. Cô cho biết An Băng cũng từng lọt vào top 15 bạn viết tốt nhất trong cuộc thi Đóa hoa đồng thoại - cuộc thi văn học thiếu nhi do một đơn vị của Nhật Bản tổ chức năm qua.

Việc đọc sách mang lại cảm hứng viết

Trong buổi trao giải thưởng Dế Mèn, trả lời câu hỏi của nhà thơ Trần Đăng Khoa "Em có ước mong sau này trở thành một nhà văn", An Băng hồn nhiên: "Con không muốn trở thành nhà văn. Ước mơ của con là trở thành một nhà thiên văn học".

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, An Băng cho biết những câu chuyện ẩn chứa nhiều bài học cuộc sống thực ra em đã viết từ niềm xúc động khi đọc được những câu chuyện về sự hy sinh. Truyện Ai đã gõ vào thân cây, An Băng cho biết ý tưởng đã đến với em sau khi em xem một cuốn sách tranh (không lời) về một cây sồi già. Viết câu chuyện này, em muốn nhắn nhủ với người đọc: "Mình không nên buồn về bản thân vì mình luôn có thể giúp ích được gì đó cho người khác, mình không nên nghĩ là mình không thể làm được gì cho đời sống. Có những điều sẽ xảy đến bất ngờ, mình sẽ giải quyết và trở thành người có ích".

Yêu thích đọc sách và chính việc đọc sách đã mang lại cảm hứng viết cho An Băng nhưng hỏi em có thích viết không, em đáp thành thực "lúc thích lúc không".

THIÊN ĐIỂU



Tin tức liên quan

  • Ngọn đèn không tắt
  • 25/06/2019 07:38
  • 31 năm trước, đang là cô bé tuổi 13 yêu đời, tôi ngã bệnh! Rời bệnh viện, tôi về nhà mình ở làng quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, với tiên liệu của bác sĩ phủ bóng tối xuống đời tôi: bệnh loạn dưỡng cơ nan y, có thể không qua tuổi 18!


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn