Bàn giao bản đồ trượt lở đất đá cho 9 tỉnh vùng núi

19/06/2018 18:27 GMT+7

TTO- Bộ TN-MT vừa bàn giao bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc K

Bàn giao bản đồ trượt lở đất đá cho 9 tỉnh vùng núi - Ảnh 1.

Ngoài những khu vực được cảnh báo trượt lở đất, có những khu vực trượt lở đất đá ập đến bất thường như ở thác Khanh, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) trong năm 2017 làm 18 người chết: Ảnh-XUÂN LONG

Theo Bộ Tài nguyên-môi trường, nhằm đẩy nhanh tiến độ thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo thiên tai, Bộ Tài nguyên-môi trường đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên-môi trường) xây dựng bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá và bản đồ cảnh báo nguy cơ trợt lở đất đá cho các tỉnh vùng núi.

Sau quá trình nghiên cứu, tạo lập bản đồ, Bộ Tài nguyên-môi trường cho biết đã bàn giao bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng thời, bàn giao bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc kạn, bàn giao sơ đồ hiện trạng và sơ đồ khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá khu vực 20 xã trọng điểm thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái.

Theo Bộ Tài nguyên-môi trường, các bản đồ đã xác định và khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thông, bố trí dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bộ Tài nguyên-môi trường cũng cho rằng các kết quả kể trên là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam.

Là cơ quan nghiên cứu, xây dựng bản đồ, ông Trần Tân Văn, viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên-môi trường), cho biết với bản đồ tỷ lệ 1/50.000, những bản đồ này sẽ phục vụ hữu ích cho Uỷ ban quốc gia về phòng chống thiên tai, cấp tỉnh, cấp huyện triển khai nhiệm phòng tránh thiên tai tại những khu vực được cảnh báo.

Tuy nhiên, với bản đồ tỷ lệ 1/50.000, ông Văn cũng cho rằng, bản đồ này chủ yếu phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, bố trí định canh, định cư, tái định cư, tránh được những khu vực có nguy cơ cao về trượt lở đất.

"Tỷ lệ 1/50.000 đến cấp xã thì chưa thể chi tiết, đặc biệt là chỉ rõ các điểm, khu vực nhà dân nào cụ thể có nguy cơ chịu ảnh hưởng trượt lở đất thì tỷ lệ bản đồ này còn sơ sài. Vì vậy, để chi tiết hơn, phục vụ di dời từng hộ dân ở từng điểm có nguy cơ trượt lở đất, cần phải lập bản đồ chi tiết cỡ 1/10.000, khi đó mới cảnh báo hiệu quả, chi tiết đến từng nhà dân co nguy cơ chịu ảnh hưởng từ trượt lở đất"- ông Văn cho hay.



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn