Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng

28/05/2018 12:35 GMT+7

TTO - Nguy cơ lây chéo giữa các người bệnh và tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS bỏ điều trị có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ngày 28-5, Đoàn công tác của Uỷ ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu làm việc tại Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp và Cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn, TP.HCM).

Mô hình điều trị HIV "4 trong 1"

Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp cho biết thành công lớn nhất của đơn vị là lồng ghép được mô hình 4 trong 1 trong điều trị HIV/AIDS gồm tư vấn xét nghiệm, lao, nghiện chất và thuốc ARV (loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV).

Tính đến tháng 3-2018, số người nhiễm HIV lũy tích của quận trên 3.000 người, trong đó có gần 600 người tử vong do AIDS.

Trong số người nhiễm, có trên 65% người nhiễm HIV thuộc nhóm tuổi từ 25 đến 39 tuổi, nam giới chiếm tỉ lệ nhiễm cao nhất trên 71%. Dịch HIV tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như quan hệ mại dâm, đồng tính nam và tiêm chích.

Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra hệ thống trả lời và nhắc người nhiễm HIV đến uống thuốc ARV tại Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp - Ảnh: HOÀNG LỘC

Năm 2017, chương trình tiếp cận được 3.700 lượt người, phát 38.000 bao cao su và 1.200 kim tiêm.

Về chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone đến tháng 4-2018 đơn vị đang điều trị cho 443/912 bệnh nhân và số lượng điều trị không ngừng mở rộng.

Còn tính tổng số bệnh nhân được đơn vị điều trị cả Methadone và Suboxone có gần 900 người nhưng hiện tại chỉ còn gần 500 người đang điều trị, còn lại bỏ do nhiều nguyên nhân như tự ý bỏ, chủ động xin ngưng để chuyển sang cơ sở khác và tử vong.

Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng - Ảnh 3.

Thông qua hệ thống này danh sách những người bệnh trễ hẹn sẽ được đơn vị nhắc nhở nhằm uống thuốc đúng lịch - Ảnh: HOÀNG LỘC

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV nhanh, hiệu quả, giảm tình trạng "mất dấu" sau khi xét nghiệm dương tính HIV, đơn vị tiến hành lồng ghép việc điều trị ARV trong hoạt động điều trị của ngành tại các trạm y tế phường.

Hiện nay có 16 phương thực hiện cấp phát thuốc ARV cho 170 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hòa trong số những người nhiễm HIV hiện có gần 1.200 bệnh nhân tham gia điều trị bằng BHYT do quỹ bảo hiểm chi trả một phần.

Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng - Ảnh 4.

Điều trị, uống thuốc Methadone ngắt cơn nghiện tại Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp - Ảnh: HOÀNG LỘC

"Chúng tôi đang khá đau đầu bởi những trường hợp bệnh nhân không có thể BHYT. Trong số này có người hoàn toàn không biết gì về thủ tục BHYT, sợ lộ thông tin, không đủ tiền mua thẻ và không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào" - bác sĩ Hòa nói đồng thời kiến nghị tháo gỡ và cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nhiễm bỏ điều trị gia tăng.

Không phải việc gì cũng đẩy trung tâm

Ông Đoàn Hữu Bẩy - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn hóa (Văn phòng Chính phủ) đánh giá qua báo cáo cho thấy Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp làm được rất nhiều việc tốt, có chiều hướng tích cực.

Đặc biệt với trụ sở hạn hẹp, nhân lực có hạn nhưng đơn vị thực hiện được mô hình điều trị "4 trong 1" là một nỗ lực rất lớn.

Vấn đề trung tâm đề xuất tự chủ tài chính, ông Bẩy đánh giá là "một điểm mới" bởi có rất nhiều trung tâm trên cả nước dù công tác phòng chống HIV/AIDS làm rất tốt nhưng không dám đề xuất vấn đề này. 

Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng - Ảnh 5.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa – giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp trình bày tại buổi kiểm tra của Uỷ ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm - Ảnh: HOÀNG LỘC

Ngoài ra, ông Bẩy lưu ý trung tâm về công tác tuyên truyền bởi việc bệnh nhân bỏ trị khá cao. "Vào thì 200 người nhưng hiện chỉ còn 42 người điều trị. Đây là vấn đề cần tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời" - ông Bẩy nhấn mạnh.

Báo động người nhiễm HIV bỏ điều trị tăng - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh công tác điều trị HIV/AIDS vấn đề quan trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền, phát hiện, tư vấn và xét nghiệm - Ảnh: HOÀNG LỘC

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trung tâm cần có giải pháp cụ thể hơn về nguồn nhân lực, phải nêu được các giải pháp đào tạo, chất lượng và số lượng để có sự phân công sắp xếp hiệu quả.

Về chương trình mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm; 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) đặt ra, theo Bộ trưởng vấn đề quan trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền, phát hiện, tư vấn và xét nghiệm.

"Đây là gốc của mọi vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không thể đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Sở Y tế TP nghiên cứu thêm hiện nay TP.HCM có hệ thống y tế phường và các phòng khám gia đình có thể đảm đương được các khâu tư vấn, xét nghiệm nhanh, phát thuốc…

Nếu lồng ghép, phân cấp được các khâu này sẽ giảm tải đáng kể cho trung tâm để đơn vị này tập trung thực hiện các thủ thuật chuyên sâu, cao hơn.

Trung tâm điều trị Suboxone đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp là đơn vị thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Suboxone đầu tiên và duy nhất cả nước hiện nay.

Điều trị bằng Suboxone giúp cắt được cơn nghiện sớm, không có sự tương tác thuốc và thời gian bán hủy kéo dài tối đa 72 giờ. Nếu điều trị ổn định thì số lần ngậm thuốc thì số lần ngậm thuốc được rút ngắn 2 -3 ngày/tuần.

Tuy nhiên, có điểm hạn chế là thời gian ngậm thuốc quá lâu, viên thuốc to, vị đắng nên bệnh nhân tuân thủ kém.



Tin tức liên quan

  • Về nơi "bão ma túy" quét qua
  • Thứ ba, 26/06/2018 - 00:45
  • Mường Lát là một huyện vùng cao có số dân không đông nhưng lại là huyện có số người nhiễm AIDS cao đứng thứ 4 toàn tỉnh Thanh Hóa (sau TP. Thanh Hóa, Bỉm Sơn và Quan Hóa). Hơn chục năm trước, hầu hết các xã trên địa bàn Mường Lát là nơi “tâm bão” ma túy hoành hành.

  • Xã nghèo có hơn 400 người điều trị HIV
  • Thứ sáu, 14/09/2018 - 05:00
  • Một xã mà có số người có HIV đang phải điều trị lên đến 412 người, nếu tính cả người đã tử vong vì bệnh AIDS, con số sẽ còn cao hơn. Nơi đây được xem là “tâm bão H” tại tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

  • 50.000 người nhiễm HIV chưa đi xét nghiệm
  • Thứ Tư, ngày 12/12/2018 - 06:20
  • (PL)- Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện có khoảng 50.000 người nhiễm HIV không biết về tình trạng nhiễm của mình. Họ sợ bị kỳ thị, không dám đối mặt với tình trạng nhiễm vì sợ “chết chắc”.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn