Bắt cóc tống tiền, siết nợ: Phi vụ rúng động giới đại gia

Chủ nhật, 11/03/2018 - 15:37

Giàu có thường đi kèm với không ít mối hiểm nguy. Bắt cóc tống tiền luôn là một nỗi lo rình rập giới lắm tiền nhiều của. Ở Việt Nam, gần đây, nhiều doanh nhân, đại gia, thiếu gia đã bị các đối tượng bắt cóc, đánh đập nhằm tống tiền hoặc đòi tiền nợ khiến dư luận rúng động.

Nữ đại gia bị bắt cóc giữa phố

Do thiếu nợ 4,5 tỷ đồng nên bà Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971, ngụ quận 4, TP.HCM) bị chủ nợ là Lê Thị Thảo nhờ giang hồ đòi. Thông qua mối quan hệ xã hội, Thảo nhờ Trần Văn Miên (SN 1968, ngụ Nam Định) và Nguyễn Anh Đức đòi tiền bà Nam.

Bị can Miên tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị can Miên tại phiên tòa sơ thẩm.

Trưa 12/10/2010, khi bà Nam được nhân viên chở bằng xe máy lưu thông trên đường thì Miên áp sát yêu cầu bà Nam lên ô tô của Thảo đã đợi sẵn. Bà Nam được đưa vào một nhà nghỉ ở quận 12 sau đó được chuyển đến một căn nhà gỗ gần hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) giam lỏng để ép bà trả nợ. Sau khi được thả về, bà Nam đã làm đơn tố cáo.

Con trai Trầm Bê bị bắt cóc đòi 10 triệu USD

Năm 2005, dư luận chấn động với vụ bắt cóc thiếu gia Trầm Trọng Ngân - con trai trưởng của đại gia Trầm Bê - với số tiền chuộc bị yêu cầu lên tới 10 triệu đôla. Đây được đánh giá là vụ bắt cóc đòi tiền chuộc lớn nhất từ trước đến nay.

Bình kiểm trước tòa.

Bình "kiểm" trước tòa.

Chủ mưu trong “vụ bắt cóc thế kỷ” này là Bình “kiểm”, một tay giang hồ khét tiếng và cũng là cao thủ mà Năm Cam phải nể mặt. Sau thời gian dài lên kế hoạch, theo dõi và hai lần bắt cóc hụt con mồi, đến lần thứ ba, Bình “kiểm” đã thành công trong việc bắt cóc Trầm Trọng Ngân. Nhưng chưa kịp nhận tiền chuộc, tên trùm giang hồ và đồng bọn đã bị tóm gọn.

Bắt cóc doanh nhân Trung Quốc đòi nợ 2,5 tỷ đồng

Ngày 12/7/2016, ông Đường Thiệu Dân (43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bay từ TP.HCM ra Hà Nội để gặp gỡ bạn hàng. Vừa đặt chân đến Hà Nội, doanh nhân Trung Quốc bị nhóm bắt cóc khống chế đưa vào nhà nghỉ. Họ dọa chặt tay nạn nhân nếu không nhận được 2,5 tỷ đồng.

Hai người liên quan đến vụ bắt cóc doanh nhân Trung Quốc.

Hai người liên quan đến vụ bắt cóc doanh nhân Trung Quốc.

Lực lượng chức năng xác định nghi phạm chủ mưu bắt cóc ông Dân là Nguyễn Văn Nam (34 tuổi, ở Bắc Giang). Nam từng có quan hệ buôn bán với nạn nhân. Do không đòi được khoản nợ 700.000 Nhân dân tệ của một người Trung Quốc, anh ta lên kế hoạch bắt giữ ông Dân - người bảo lãnh khoản vay để đòi lại số tiền.

Thương nhân Việt sang Trung Quốc bị bắt cóc đòi chuộc 7 tỷ đồng

Theo trình báo của gia đình ông Nguyễn T.A. (39 tuổi, Hà Nội), ngày 17/2/2014, thương nhân T.A. cùng trợ lý Vũ D.C. (27 tuổi) nhập cảnh vào Trung Quốc, đến TP. Nam Ninh để liên hệ làm ăn. Tối 18/2/2014, gia đình ông T.A. ở Việt Nam nhận được điện thoại từ Trung Quốc đe dọa và yêu cầu gửi 150 vạn nhân dân tệ, sau đó tiếp tục tăng giá lên 200 vạn nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng) để chuộc người. Đến ngày 27/2/2014, gia đình ông T.A. đã chuyển 60 vạn nhân dân tệ (gần 2 tỷ đồng Việt Nam) vào tài khoản ngân hàng cho bọn bắt cóc. Nhưng sau khi rút tiền xong, bọn chúng cắt hoàn toàn liên lạc.

Sau một thời gian cảnh sát 2 nước trao đổi thông tin để điều tra, cảnh sát tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã huy động lực lượng hỗ trợ giải cứu thành công 2 nạn nhân trên.

Phó Giám đốc bắt cóc Giám đốc, ép chuyển nhượng công ty

Ông Hoàng Đình Sơn (SN 1974, trú TP Vinh, Nghệ An) thành lập Công ty TNHH Hoàng Gia Bảo với chức năng khai thác tre, nứa tại khu vực rừng Quế Phong để làm tăm nhang. Ông Sơn đã cho Nguyễn Tất Thạch (đã có 4 tiền án, tiền sự) góp vốn, được giữ chức Phó giám đốc với mục đích “bảo vệ” công ty.

Đối tượng Nguyễn Tất Thạch.

Đối tượng Nguyễn Tất Thạch.

Sau một thời gian do làm ăn thua lỗ, Thạch yêu cầu ông Sơn phải trả lại 150 triệu đồng Thạch đã góp vốn hoặc ông Sơn phải nhượng lại công ty cho Thạch nhưng không được ông Sơn đáp ứng.

Ngày 1/1/2014, Thạch và hai thanh niên lạ mặt đi chiếc ô tô biển xanh mang đi vào công ty yêu cầu ông Sơn lên xe rồi đưa ông Sơn đến một nhà nghỉ ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Tại đây, Thạch nhiều lần đe dọa và đánh đập ông Sơn, ép ông Sơn phải nhượng lại công ty cho Thạch. Sáng 2/1/2014, trong lúc đi uống cà phê, lợi dụng lúc Thạch đang nói chuyện với bạn, ông Sơn mở cửa sau bỏ chạy trốn.

Doanh nhân nổi tiếng Nghệ An mất tích, nghi bị bắt cóc

Người nhà ông Đào Văn Lợi (SN 1964, trú xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) kể với báo giới: Chiều 28/9/2015, ông Lợi ra khỏi nhà và mất liên lạc. Trước đó, đã có một nhóm "xã hội đen" gọi điện đe dọa ông Lợi vì những mối quan hệ làm ăn gì đó. Ông Lợi đi cùng lái xe, sau đó không liên lạc được.

Năm 2011, ông Lợi được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Bến Thủy (thuộc Vinashin). Doanh nghiệp sau đó làm ăn thua lỗ. Đến năm 2013, ông Lợi viết đơn xin nghỉ và đầu tư vào một công ty khác ở TP Vinh.

Đối tác thuê giang hồ bắt cóc giám đốc để đòi nợ

Theo tường trình của nạn nhân, trong quá trình hợp tác làm ăn, ông N.H.K. (trú quận 1, TP.HCM; giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xây dựng) nợ Ngô Quốc Tiến (32 tuổi, ngụ quận 8) gần 600 triệu đồng chưa kịp trả. Cuối tháng 4/2011, chủ nợ dẫn hơn 10 người đến nhà của ông K. giam lỏng ông suốt nửa ngày để gây áp lực buộc ông K. ký vào giấy nợ số tiền 583 triệu đồng.

Chủ mưu Ngô Quốc Tiến (trái) và một đồng phạm.

Chủ mưu Ngô Quốc Tiến (trái) và một đồng phạm.

Đến sáng 8/7/2011, khi ông K. đang làm việc tại văn phòng công ty thì Tiến và 8 người khác kéo đến để nói chuyện nợ nần. Ngồi tại đây đến tối, nhóm này quyết định đưa ông K. về Bình Dương để giải quyết. Chúng liên lạc với vợ nạn nhân buộc phải đưa 500 triệu đồng thì sẽ thả người.

Đêm 11/7/2011, chúng yêu cầu vợ ông K. đến khu vực cầu Sài Gòn để giao dịch nhưng không thành. Đến chiều 12/7/2011, nhóm này chở nạn nhân đến quán cà phê Cỏ Mây (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Khi đang giao nhận tiền thì cảnh sát ập vào bắt quả tang.

Theo Hạnh Nguyên



Tin tức liên quan

  • Đôi vợ chồng suýt mất con gái khi vượt biên sang Trung Quốc lao động “chui”
  • Thứ năm, 15/03/2018 - 16:32
  • Anh Thanh nhớ lại kí ức kinh hoàng, đó là vào năm 2015, con gái anh đã bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình anh buộc phải trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để đón con gái về.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn