Bất ngờ tạm dừng phiên tòa xét xử 10 cán bộ Navibank

Thứ tư, 07/03/2018 - 13:06

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Navibank. HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao bổ sung thêm nhiều tài liệu chứng cứ và sẽ tiếp tục phiên tòa vào ngày 12/3.

Phiên tòa bất ngờ tạm dừng tới ngày 12/3

Phiên tòa bất ngờ tạm dừng tới ngày 12/3

Ngày 7/3, phiên xử ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục phần xét hỏi.

Sau khi các luật sư kết thúc phần xét hỏi, HĐXX bất ngờ vào hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao bổ sung bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 1 và yêu cầu bổ sung bản sao kê tài khoản liên quan đến 200 tỉ đồng trong vụ án này. Để Viện KSND Tối cao có thời gian chuẩn bị hồ sơ, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa tới ngày 12/3.

Trong các ngày 5, 6 và 7/3, các luật sư tiếp tục thẩm vấn 10 bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự.

Theo đó, 27/32 luật sư đã tập trung xét hỏi 4 vấn đề: Các bị cáo kêu oan, cho rằng không vi phạm quy định cho vay vì Quyết định 34/2010 của Navibank là quyết định nội bộ, không vi phạm Thông tư 02/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần; 200 tỉ đồng tiền gửi của Navibank tại VietinBank chỉ mới ở tài khoản thanh toán hay đã chuyển qua tài khoản tiền gửi có kỳ hạn; hợp đồng tiền gửi của các nhân viên Navibank gửi tiền tại VietinBank là giả; các nhân viên Navibank thực tế không có nhu cầu vay tiền, họ vay tiền tại Navibank nhằm giúp Navibank gửi tiền vào VietinBank để nhận lãi suất cao.

Vì các luật sư lặp lại các câu hỏi khá nhiều nên cuối giờ sáng hôm qua, chủ tọa nhắc các luật sư không xét hỏi xung quanh 4 nội dung trên, tránh kéo dài việc xét hỏi không cần thiết.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, trả lời câu hỏi của luật sư: Có bị cáo nào bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra hay không, đa số bị cáo nói sau khi có lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các bị cáo bị mời lên làm việc liên tục trong 3 ngày.

Tại đây, các bị cáo không bị bức cung, nhục hình nhưng bị trấn áp tinh thần, bị dẫn dụ lời khai dẫn đến có nhiều lời khai không chính xác. Bị cáo Nguyễn Giang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Navibank, khai được điều tra viên đưa tờ giấy ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu khai đúng nội dung tờ giấy, khai sai thì sẽ thêm tội khai báo gian dối.

Bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn, trình bày nếu tại cơ quan điều tra khai không đúng ý các điều tra viên thì sẽ bị hỏi đi hỏi lại một câu hỏi, đến khi trả lời theo đúng ý. Ngoài ra, một số bị cáo khác khai, được điều tra viên đưa biên bản hỏi cung của một số bị can khác và yêu cầu khai giống với nội dung trong biên bản; hoặc nếu không nhận tội thì sẽ bị tạm giam hoặc đổi tội danh nặng hơn...

Sau khi các bị cáo trả lời, luật sư cho rằng vụ án có dấu hiệu bị ép cung, dùng nhục hình. Ngay lập tức, chủ tọa ngắt lời, đề nghị luật sư dừng việc xét hỏi, vì tại tòa các bị cáo đã trình bày rõ không bị ép cung, dùng nhục hình.

Xuân Duy



Tin tức liên quan

  • Phú Yên: Tiếp tục hoãn phiên tòa “51 giáo viên bị cho thôi việc”
  • Thứ hai, 12/03/2018 - 13:21
  • Sáng ngày 12/3, TAND huyện Tây Hòa (Phú Yên) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lao động về việc “Tranh chấp về chấm dứt HĐLĐ và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt HĐLĐ” với đầy đủ nguyên đơn và bị đơn, nhưng lại tiếp tục hoãn vì cần bổ sung chứng cứ.

  • Xét xử lần 3 vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh
  • 28/03/2018 18:49 GMT+7
  • TTO - Sau hai lần tạm hoãn, ngày 28-3, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Biên Hoà tỉnh Đồng Nai lần thứ 3 mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh khiến giao thông đường sắt Bắc - Nam gián đoạn một thời gian dài.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn