Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’

28/01/2022 10:57

Trước thềm Tết Nguyên đán, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) vẫn miệt mài làm việc, chăm sóc người nhập cảnh nhiễm COVID-19, trong đó có ca nhiễm Omicron. Tết này, họ phải xa gia đình vì ‘bệnh nhân cần chúng tôi’.

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) tranh thủ làm việc hết công suất vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán - Ảnh: XUÂN MAI

Quá 12h trưa, khu hành chính khoa lâm sàng Bệnh viện dã chiến số 12 còn vang tiếng lạch cạch của bàn phím máy tính, tiếng sột soạt của giấy bút.

Hàng chục nhân viên y tế mỗi người một việc từ nghe điện thoại, cập nhật tình hình sức khỏe bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án, sắp xếp hồ sơ, kê giấy xuất viện. Chỉ cần điện thoại rung lên có ca nhập cảnh tới, các nhân viên y tế nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, xuống tiếp nhận bệnh nhân.

Mỗi ngày, đặc biệt là dịp Tết, nhân viên y tế phải thăm khám, điều trị cho hàng trăm ca nhập cảnh có kết quả dương tính, đa phần là Việt kiều Mỹ, người Canada, người Mỹ… Mọi người tranh thủ làm việc hết công suất, đến bữa cơm trưa cũng không có giờ cố định.

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 2.

Bạn Lăng Thị Nguyệt, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y dược TP.HCM, tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 12 - Ảnh: THU HIẾN

Bạn Lăng Thị Nguyệt (22 tuổi), sinh viên năm thứ 5 Đại học Y dược TP.HCM, cho biết thấy dịch còn diễn biến phức tạp nên đã xin tình nguyện tham gia đăng ký chống dịch và được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 trực chiến. Đã nhiều tháng qua bạn vẫn chưa được về nhà.

Đây là năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, được gia đình ủng hộ nên Nguyệt cũng cảm thấy an tâm hơn. Nguyệt chia sẻ mình không buồn nhiều khi không được ăn Tết với gia đình, vì ở đây còn nhiều anh chị vẫn miệt mài làm việc.

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 3.

Điều dưỡng Nguyễn Quang Nhựt (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) chúc mừng bà Phan Thị Nga (53 tuổi, Việt kiều Mỹ, quê ở An Giang) đã có kết quả âm tính, kịp xuất viện về nhà trước Tết - Ảnh: XUÂN MAI

Trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, điều dưỡng Nguyễn Quang Nhựt (Bệnh viện Da liễu) lần lượt gõ cửa từng phòng bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR âm tính để thông báo đủ điều kiện xuất viện và tiếp tục cách ly tại nhà theo đúng quy định.

Tranh thủ thời gian di chuyển, điều dưỡng Nhựt cho hay anh đã nhiễm COVID-19. Từ khi dịch bùng phát, anh đã làm nhiều công việc khác nhau từ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vắc xin đến chăm sóc, và công việc gắn bó nhiều nhất là chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại khu cách ly.

Tết năm nay, điều dưỡng Nhựt cùng đồng nghiệp tiếp tục ở bệnh viện làm việc. "Đây là điều bình thường, là công việc của chúng tôi. Dịch bệnh còn căng thẳng, ai ở đâu cũng có khó khăn riêng nhưng tất cả đều mong muốn chung là dịch mau qua. Còn bây giờ bệnh nhân cần chúng tôi, tôi sẽ làm hết mình. Tôi cũng đã thông báo gia đình và mọi người đều hiểu, thông cảm", anh Nhựt chia sẻ.

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 4.

BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu, kiêm phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) - cùng đồng nghiệp phải xa gia đình, sẵn sàng trực xuyên Tết - Ảnh: XUÂN MAI

Cùng ban lãnh đạo bệnh viện, 45 nhân viên y tế, 30 dân quân và nhiều tình nguyện viên, cán bộ phường An Khánh (TP Thủ Đức), BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu, kiêm phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 - cũng tham gia trực chiến 24/24 xuyên Tết Nguyên đán.

Là bệnh viện dã chiến duy nhất tại TP.HCM tiếp nhận người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron, bác sĩ Em cho hay mỗi giai đoạn, mỗi biến chủng của virus SARS-CoV-2 sẽ có những áp lực khác nhau.

Nếu như trước đây, bệnh viện gặp áp lực trước lượng bệnh nhân quá tải thì hiện nay áp lực chủ yếu từ công tác phòng lây nhiễm, đặc biệt là biến chủng Omicrom. Do đó, nhân viên y tế luôn cố gắng làm sao đảm bảo tránh lây nhiễm tuyệt đối, không để lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhập cảnh bất cứ lúc nào theo thông báo từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Có những ngày, nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 1-2h sáng.

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Minh Thắng (thuộc Ban chỉ huy quân sự xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) miệt mài đẩy chiếc xe đựng đầy các khẩu phần ăn đến từng phòng phát cho bệnh nhân. Có bệnh nhân không ra nhận thức ăn, anh Thắng vẫn lặng lẽ để trên bàn. Sau khi hoàn thành công việc, anh mới ăn cơm - Ảnh: XUÂN MAI

Vì bệnh nhân chủ yếu là người nước ngoài, Việt kiều Mỹ nên bệnh viện cũng gặp khó khăn khi khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, đặc biệt là chuyện ăn uống.

Để khắc phục, bệnh viện đã cố gắng tạo mọi điều kiện trong khả năng cho phép như ra bảng hướng dẫn song ngữ, lên thực đơn đa dạng, tiếp nhận thức ăn người nhà gửi vào (phải làm cam kết)…

Bệnh viện dã chiến trực xuyên Tết: ‘Bệnh nhân cần chúng tôi’ - Ảnh 6.

Càng cận kề Tết Nguyên đán, số người nhập cảnh được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 càng đông - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ Em cho biết càng cận kề Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, được chuyển đến bệnh viện càng đông.

So với bệnh nhân nhiễm biến chủng Dela thì bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron chỉ khác biệt về tiêu chuẩn xuất viện. Và đây cũng là rắc rối mà bệnh viện vướng phải vào thời điểm TP ghi nhận ca nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.

"Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn chung là sau 3 ngày có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính sẽ được xuất viện. Sau đó, bệnh viện nhận được chỉ đạo của Sở Y tế TP, tất cả ca nghi ngờ nhiễm Omicron thì phải làm xét nghiệm PCR mới được xuất viện", bác sĩ Em giải thích thêm.

XUÂN MAI - THU HIẾN



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn