Bộ Công Thương khẳng định xăng vẫn đủ cung

Thứ tư, 27/3/2019, 19:02 (GMT+7)

Tình trạng thiếu xăng ở một số nơi vừa qua, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước là do sự cố ngừng cấp điện ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, khiến giao hàng chậm. - VnExpress Kinh Doanh

Trả lời VnExpress chiều 27/3, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) một lần nữa khẳng định, tổng nguồn cung xăng RON 95 "cơ bản đủ, không thiếu". Việc các doanh nghiệp, thương nhân phân phối kêu thiếu xăng vừa qua là cục bộ. 

Trong thông tin phát đi tối 25/3 Bộ Công Thương khẳng định "đủ nguồn xăng RON 95", nhưng thực tế khảo sát nhiều cây xăng ở Hà Nội treo biển "hết hàng để bán" do thiếu nguồn. Ông giải thích ra sao về điều này?

- Các đầu mối kinh doanh xăng dầu nói thiếu nguồn xăng RON 95 là không chính xác. Sau phản ánh của báo chí về việc nhiều cây xăng trưng biển hết hàng để bán, chúng tôi đã vào cuộc để tìm hiểu rõ nguyên nhân và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay trong đêm qua (26/3). Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện nơi nào thiếu xăng hoặc có hiện tượng găm hàng, bán trà trộn hàng kém chất lượng thì kiên quyết xử lý. 

Vừa qua tình hình thiếu hàng cục bộ ở một số nơi là do sự cố ngừng cấp điện ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, dẫn tới việc giao hàng chậm tiến độ. Việc này diễn ra trong khoảng một tuần. Bộ đã họp, chỉ đạo và yêu cầu Nghi Sơn sớm khắc phục sự cố. Ở thời điểm này Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn cũng đã chạy 107% công suất, tăng sản lượng xăng mức tối đa để cung ứng cho thị trường. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu một số đơn vị đầu mối lớn, như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc, thậm chí chấp nhận nhập ở thị trường giá, thuế cao hơn (20%) để đảm bảo hàng cho thị trường trong nước và dự trữ 30 ngày, theo quy định Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. 

Các đầu mối phải có trách nhiệm cung cấp đủ hàng trong hệ thống của mình và thương nhân phân phối ngoài hệ thống.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: H.Thu

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: H.Thu

Nhưng thương nhân phân phối khó khăn, chiết khấu giảm mạnh nên không đảm bảo kinh doanh. Điều này có thể dẫn tới tình trạng khó có hàng bán ra thị trường. Vấn đề này Bộ có hướng xử lý thế nào?

-  Các doanh nghiệp bao giờ cũng phải có trách nhiệm xã hội, nhất là Petrolimex và PVOil là 2 doanh nghiệp Nhà nước, cũng là đầu mối xăng dầu lớn nhất. Trong chính sách điều hành vĩ mô, các doanh nghiệp Nhà nước còn là công cụ để Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết vĩ mô, vì thế vào lúc này họ có thể lỗ nhưng lúc khác lại lãi và tổng thể cả năm lãi. Doanh nghiệp không nên vì lỗ trong một thời điểm lại đổ cho cách điều hành của cơ quan quản lý, mà nên nhìn dài hạn hơn.

Còn ở góc độ điều hành quản lý Nhà nước, chính sách vĩ mô bao giờ cũng phải ưu tiên lợi ích đám đông, đất nước, người dân.

Ông giải thích ra sao việc tiếp tục giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18/3 bằng cách xả mạnh Quỹ bình ổn xăng dầu khiến doanh nghiệp kêu lỗ lớn?

Tôi khẳng định nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp (đầu mối kinh doanh, thương nhân phân phối...) và người dân. Có thời điểm ưu tiên lợi ích người dân, đất nước nhưng về tổng thể phải hài hoà. Ngoài ra, mỗi đợt điều hành, cơ quan quản lý phải bám sát thị trường, mục tiêu điều hành vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), GDP... Ngoài ra, việc điều hành cũng phải xin ý kiến Chính phủ để quyết định. 

Trở lại kỳ điều hành ngày 18/3 vừa qua thì có một số yếu tố khiến liên Bộ đưa ra quyết định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu. Một là thời điểm điều hành giá xăng dầu chỉ cách thời điểm tăng giá điện thêm 8,36% hai ngày, nên chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng xem xét phương án điều chỉnh và quyết định. 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu kỳ điều hành vừa rồi tăng giá xăng sẽ tác động cộng hưởng rất nhiều, chưa kể yếu tố tâm lý. Điện tăng, xăng tăng cùng lúc sẽ cộng hưởng tới các chỉ số tính giá trong rổ tính CPI. Bộ đã tính các phương án và báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều hành xăng dầu tháng 4 sẽ ra sao để tránh giá xăng tăng sốc, sau khi đã bị kìm giữ quá lâu?

- Chúng tôi đã tính toán, lên các phương án điều hành. Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương thì tới lúc này giá xăng dầu thế giới biến động chưa có gì đáng lo ngại, Quỹ bình ổn xăng dầu có giảm nhưng vẫn còn dư địa để điều hành. 

Chúng tôi đã tính các phương án trong điều hành sắp tới và đưa ra phương án hợp lý nhất, người dân và doanh nghiệp cũng cần phải thông cảm. Chúng tôi cũng tính tới việc báo cáo lãnh đạo Bộ, Chính phủ xem xét lại cách điều hành, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đơn cử mặt hàng xăng E5 RON 92, thời gian qua không trích Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng vẫn được bù chéo, đây là bất cập. 

Ở góc độ điều hành, chúng tôi đã tính tất cả phương án rủi ro nhất. Suy cho cùng Quỹ bình ổn giá có thời điểm dương, nhưng bản chất quỹ này là ứng trước tiền người tiêu dùng, doanh nghiệp được lợi. Vậy thì đôi lúc quỹ âm thì doanh nghiệp cũng nên chia sẻ vì lợi ích chung, chứ không thể 1-2 tháng âm mà đã kêu lên như vậy.

Cây xăng hết hàng do 'sự cố tạm thời'

Chiều 27/3, Vụ Thị trường nước đã trực tiếp đến một số cửa hàng xăng dầu. Cuộc kiểm tra này diễn ra một ngày sau khi có hiện tượng nhiều cây xăng ở Hà Nội trưng biển 'hết hàng để bán'. Tại cửa hàng xăng dầu 259 Giải Phóng, thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), xăng RON 95 đã được cấp và bán trở lại. 

Bà Phan Thị Hoàn, cửa hàng trưởng cho biết, việc cây xăng này treo biển hết xăng là do yếu tố khách quan. Cụ thể, ngày 25/3 khi bồn chứa hết xăng, cửa hàng đã báo lên tổng công ty để cung cấp thêm, nhưng xe bồn cấp xăng bị hỏng, nên phải đến 21h tối 26/3 trạm mới được bổ sung nguồn xăng 10 m3 vào bồn chứa. Cũng theo bà Hoàn, việc cây xăng này dán thông báo hết xăng là do "nhân viên tự ý in và dán, cửa hàng trưởng hoàn toàn không biết".

Trả lời việc "sự cố diễn ra tạm thời nhưng cửa hàng lại thay xăng E5 RON 92 và cột bơm xăng RON 95 để bán cho khách", bà Hoàn nói "để tiện cho việc đổ xăng của khách". Thực tế mỗi loại xăng được quy định tiêu chuẩn bồn chứa với tiêu chí cụ thể, việc đổ xăng E5 RON 92 vào bể chứa RON 95 có thể dẫn tới rủi ro, không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, cũng theo bà Hoàn, việc thay thế xăng ở các cột bơm "cửa hàng đã báo cáo lên tổng công ty và được chấp nhận, có nhân viên của tổng công ty về giám sát kỹ thuật".

Nguyễn Hoài



Tin tức liên quan

  • Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
  • Thứ hai, 13/5/2019, 07:56 (GMT+7)
  • Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.

  • Giá xăng tiếp tục giảm mạnh
  • Thứ hai, 17/6/2019, 15:10 (GMT+7)
  • Mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm tối đa 986 đồng, xăng RON 95 giảm 1.085 đồng; các mặt hàng dầu cũng giảm 239 - 737 đồng một lít, kg. - VnExpress Kinh Doanh


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn