Bộ Kế hoạch và đầu tư dự thảo hàng loạt cơ chế cứu hàng không bên bờ vực phá sản

17/06/2021 06:22

Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản, Vietjet Air và Bamboo Airways thiếu hụt tài chính nhiều ngàn tỉ đồng. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo hàng loạt cơ chế để giải cứu ngành hàng không khỏi bờ vực phá sản.

Bộ Kế hoạch và đầu tư dự thảo hàng loạt cơ chế cứu hàng không bên bờ vực phá sản - Ảnh 1.

Máy bay cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hãng bay cạn tiền, bên bờ vực phá sản

Dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra 8 nhóm ngành nghề, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông.

Riêng với ngành hàng không - một ngành có tính kết nối, lan tỏa cao trong nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các DN hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Vận tải hàng không được dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2021, và nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành mới có thể phục hồi như thời điểm trước dịch bệnh.

Về tình hình kinh doanh của các DN ngành hàng không, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến lỗ quý 1 năm nay khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không tư nhân dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020 nhưng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Riêng lỗ hàng không của Bamboo năm 2020 lên tới khoảng 3.500 tỉ đồng. Lỗ hàng không của Vietjet thấp hơn khá nhiều nhưng cũng đến ngàn tỉ đồng. Hãng hàng không Vietravel vừa hoạt động được 4 tháng đã phải tái cấu trúc vì thua lỗ.

Hoạt động của hãng bay tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2021, đặc biệt là dịch bùng phát lần 4 khiến hãng bay tư nhân mất hàng chục ngàn tỉ đồng doanh thu.

Tôi muốn nhắc đến hàng không, ngành mà nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam cần đứng lên trước khi kinh tế thế giới hồi phục. Nếu xác định như vậy, cơ chế hỗ trợ ngành này không phải chỉ là bơm vốn hay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nào, mà là cơ chế để các doanh nghiệp có thể cất cánh trở lại...

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN)

Cần giải cứu kịp thời

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021 - 2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air... giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Đây là cơ chế mà Chính phủ đồng ý cho Vietnam Airlines được hưởng trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã thông qua.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi thông tư 19/2020 cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bộ Tài chính cần vào cuộc nghiên cứu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi nghị quyết 1148/2020 theo hướng giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.

Cùng với việc giải cứu các hãng bay, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay... giúp các DN vượt khó.

Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho DN, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung thông tư 01 năm 2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho DN, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đối với việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, bộ cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các DN trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa.

Số DN rút khỏi thị trường, tạm dừng kinh doanh tăng vọt

Trong 5 tháng đầu năm 2021, số DN thành lập mới 55.769 DN (tăng 15,4%) trong khi số DN rời khỏi thị trường là 59.820 DN (tăng 23%), số DN rời khỏi thị trường cao hơn số DN thành lập mới 4.051 DN. Bên cạnh đó, có 59.800 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể.

BẢO NGỌC



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn