Bộ KH&CN chưa xử lý cán bộ sai phạm ở chương trình nông thôn và miền núi

Thứ tư, 23/05/2018 - 08:24

Trao đổi với Dân trí, một cán bộ Thanh tra của Bộ KH&CN cho biết, đơn vị đã gửi kết luận về những sai phạm ở Sở KH&CN Trà Vinh khá lâu nhưng đến nay lãnh đạo Bộ vẫn chưa ký ban hành kết luận. Tuy nhiên, tinh thần đã được thông qua đó là làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm.

Một loạt cán bộ, nguyên cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu vi phạm làm thất thoát tài sản của nhà nước khi được giao triển khai dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất tôm càng xanh toàn đực”.

Một loạt cán bộ, nguyên cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu vi phạm làm thất thoát tài sản của nhà nước khi được giao triển khai dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất tôm càng xanh toàn đực”.

Trước đó, vào chiều ngày 19/3/2018, ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng với sai phạm trong chương trình đưa khoa học công nghệ tới nông thôn và miền núi.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, kể từ năm 1998 và qua nhiều giai đoạn, các nhiệm vụ theo các chương trình nông thôn miền núi đã được thiết kế và thực hiện khoảng 845 nhiệm vụ, giai đoạn 2011-2015 là 317 nhiệm vụ, khoảng 600 tỷ với 38% là từ trung ương. Trong triển khai cụ thể, kết quả rất lan toả của các nhiệm vụ nông thôn miền núi, giai đoạn vừa rồi thôi cũng có đến 2.300 lượt công nghệ cộng với hơn 1.000 mô hình trình diễn, liên kết tạo điều kiện thực sự cho kinh tế xã hội, đặc biệt là những vùng khó khăn, nông thôn, bà con dân tộc thiểu số bao gồm cả tập huấn, chuyển giao…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua có một số vấn đề bộc lộ ở chương trình này như Trà Vinh, Quảng Trị, Thái Bình với những sai phạm phải xử lý hình sự. Theo ông, những sai phạm đó thể hiện ở việc chương trình trùng lặp và từ cái trùng lặp này dẫn đến việc khống khối lượng công việc để thanh toán.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Dù là trường hợp nào thì quan điểm của chúng tôi cũng là nghiêm túc xử lý trách nhiệm tối đa. Chúng tôi nhận thức trước hết đó là nhiệm vụ từ Bộ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu quan điểm.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết: Như ở Trà Vinh, nhiệm vụ bắt đầu từ năm 2013 và kéo dài trong 3 năm, khi nhận nhiệm vụ từ tháng 4/2016 thì chúng tôi phát hiện sai phạm, khi phát hiện thì có tình trạng đã nghiệm thu trên hồ sơ nên chúng tôi đã cho thanh tra vào làm việc và sau đó đã có kết luận huỷ toàn bộ phần chi ở đây ngay lập tức và yêu cầu xử lý trách nhiệm.

“Tinh thần chung thì hiện nay đã có báo cáo, kết luận cuối cùng, đặc biệt là các cán bộ liên quan để có phương án xử lý”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh hai bài học rút ra, đầu tiên đó là việc quản lý thông qua các quy định.

“Quy định một mặt tạo điều kiện thông thoáng cho các địa phương trong các dự án ủy quyền nhưng lại không có vế thứ hai là kiểm tra giám sát, ngay cả báo cáo cuối cùng cũng không có, một số lỗ hổng này thì Bộ đã có chỉ đạo và đã có Thông tư sửa đổi để khắc phục ngay”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giải thích.

Sau nữa là quá trình thực hiện vẫn có biểu hiện xin - cho. “Về bản chất thì với trách nhiệm quản lý của Bộ thì khâu quản lý từ đầu vào đến đầu ra của nhiệm vụ có công khai minh bạch, khách quan hay không. Đây là quan điểm mà Bộ KH&CN đang hướng tới để chỉ đạo”, Bộ trưởng nêu quan điểm xử lý biểu hiện xin-cho.

Minh chứng cho tinh thần quyết tâm của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay, ngay việc phân bổ nguồn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) cho các chương trình, dự án nghiên cứu, dù có hẳn hội đồng bình chọn do các nhà khoa học tiến hành thì chính trong các nhà khoa học "cây đa, cây đề" cũng có chuyện "gửi" cậu em, thằng cháu… nhưng đều không được “nhân nhượng”, từ đây thì rõ ràng việc chuẩn bậc quốc tế, việc công khai, minh bạch đã được thực hiện.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt trong thời gian tới và lúc đó chắc chắn sẽ không còn có chuyện kêu ca về việc này nữa” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói ở phiên chất vấn ngày 19/3.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thể hiện tinh thần quyết liệt với việc xử lý sai phạm chương trình đưa khoa học công nghệ tới nông thôn và miền núi trong phiên chất vấn nhưng đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng kết luận sai phạm ở vụ việc Sở KH&CN Trà Vinh lại chưa được công bố.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN ngày 11/4/2018, ông Chương Hồng Dương, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cũng thông tin: Chương trình thanh tra chuyên đề năm nay sẽ được triển khai từ tháng 6 cho tới đến hết năm. Các nội dung chuyên đề thanh tra gồm lĩnh vực xăng dầu, mã số mã vạch, một số dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi mà cơ quan công an đã vào cuộc, xử lý một số sai phạm, một số cán bộ công chức trong quá trình thực hiện dự án đã vi phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN được tỉnh Trà Vinh giao triển khai dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẫu sản xuất tôm càng xanh toàn đực”. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng (từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2016), tổng kinh phí thực hiện 4 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 2,6 tỉ đồng còn lại là ngân sách địa phương. Chủ nhiệm dự án là Trần Thanh Phục.

Qua điều tra, ngành chức năng xác định, quá trình thực hiện dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh đã có những sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam một loạt cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh.

Nguyễn Hùng



Tin tức liên quan

  • Các xã duy trì, nâng chất tiêu chí nông thôn mới đạt tỷ lệ cao
  • Thứ tư, 12/12/2018 - 07:09
  • Tính đến tháng 11 toàn tỉnh An Giang có 45/119 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới”. Và sau một năm triển khai chương trình duy trì, nâng chất tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, đến nay Tỉnh An Giang có 33 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2011 -2017.

  • Phó Thủ tướng ký công nhận huyện đạt nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bắc Giang
  • Thứ năm, 08/11/2018 - 14:29
  • Sáng 8/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chính thức ký công nhận huyện Việt Yên (Bắc Giang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018. Đáng chú ý, đây là địa phương tiêu biểu mới được chọn thí điểm nhất thể hoá hai chức danh bí thư, chủ tịch tại Bắc Giang.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn