Bộ Nội vụ lấy ý kiến về việc xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu

Thứ Sáu, ngày 28/2/2020 - 12:38

(PLO)- Theo dự thảo, việc xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng và không phải thành lập Hội đồng kỷ luật.

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo bao gồm 5 chương với 32 điều, có nhiều nội dung đáng chú ý.

Cán bộ nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật sau khi bị kỷ luật về Đảng

Một trong những nội dung nổi bật, và cũng là vấn đề Bộ Nội vụ trình xin ý kiến Chính phủ do còn ý kiến khác nhau, liên quan đến quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Dự thảo bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật: “Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng”. Trường hợp này được sử dụng kết luận của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý của Đảng hoặc kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu để xử lý kỷ luật mà không phải điều tra, xác minh lại.

Ngoài ra, dự thảo cho phép xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác mà không phải thành lập Hội đồng kỷ luật.

Về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ đang công tác và người đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, dự thảo quy định cấp có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền phê chuẩn, bổ nhiệm thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc phân cấp xử lý kỷ luật.

Đối với các chức vụ, chức danh cấp tỉnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật sẽ ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận người đã nghỉ việc, nghỉ hưu không vi phạm pháp luật.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu tiến hành không đúng quy định thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ký quyết định kỷ luật phải hủy quyết định đó.

“Cần thiết và bảo đảm tính răn đe”

Theo dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá quy định như dự thảo là “bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thực hiện đúng quy định được giao”. 

Thực tế cho thấy, để bảo đảm nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng, hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện này đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập).

Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo. Vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật Đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng.

Cạnh đó, quy định như dự thảo sẽ tránh phức tạp về trình tự, thủ tục, thẩm quyền do đã có kết luận về sai phạm. Hình thức xử lý kỷ luật cũng đã được xác định rõ mà không phải thực hiện các quy định về thành lập hội đồng kỷ luật, triệu tập họp…

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng cho hay có ý kiến đánh giá quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác sau khi xử lý kỷ luật đảng là “giới hạn đối tượng bị xử lý kỷ luật so với Luật”. Theo đó, những người là cán bộ, công chức, viên chức nhưng không phải đảng viên nay đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác sẽ không bị xử lý kỷ luật hành chính.

Quy định rõ trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật

Một nội dung khác Bộ Nội vụ trình xin ý kiến Chính phủ liên quan đến việc áp dụng một số quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ.

Luật hiện hành quy định 4 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản khác có liên quan chỉ quy định về bãi nhiệm mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với các trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã.

“Điều này tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, chưa bảo đảm nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính”- dự thảo tờ trình nêu rõ.

Vì vậy, Bộ Nội vụ thống nhất việc bổ sung quy định xử lý cán bộ trong nghị định này để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn.

Về cách thức quy định, theo Bộ Nội vụ, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ quy định việc áp dụng các quy định của nghị định này để xử lý kỷ luật đối với một số trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm mà pháp luật và điều lệ chưa quy định, không bổ sung quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật riêng đối với đối tượng là cán bộ. Dự thảo Bộ Nội vụ trình Chính phủ đang thể hiện theo phương án này.

Loại ý kiến thứ 2 đề nghị quy định cụ thể các nội dung về xử lý kỷ luật (hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục áp dụng, thẩm quyền áp dụng) đối với tất cả cán bộ có hành vi vi phạm (bao gồm cả cán bộ công tác trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền) để bảo đảm thống nhất.

Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức quy định việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau:

- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

- Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của luật này. 

 

 

ĐỨC MINH



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn