Bới cát tìm rác

10/01/2022 05:59

Sau bão, núi rác tấp về bãi biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Nhiều người đau xót khi bãi biển gần danh thắng địa chất Thạch Ky Điếu Tẩu đã không còn vẻ thơ mộng ngày nào. Ngay lập tức cuộc "bới cát tìm rác" được triển khai.

Bới cát tìm rác - Ảnh 1.

Nhân viên công ty môi trường, tình nguyện viên “Tử tế với Sa Kỳ” và người dân địa phương chung tay dọn rác làm sạch bãi biển xã Tịnh Kỳ - Ảnh: TR.MAI

Dưới cơn mưa nặng hạt, những người muốn trả lại cho thiên nhiên vẻ đẹp vốn có gồng mình gom rác. Và chuyện cứu lấy bãi biển này được nhóm "Tử tế với Sa Kỳ" tính đến tận 10 năm. Họ sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý rác mỗi ngày và mong 10 năm rác trên bãi biển chỉ còn trong câu chuyện kể.

Rác lộ thiên, rác dưới cát

Dưới cơn mưa, anh Huỳnh Văn Thương, phóng viên Đài truyền hình Quảng Ngãi, vẫn cặm cụi với việc dọn rác. Chàng trai trẻ này được xem là thành viên chủ chốt trong việc giải quyết vấn nạn rác dọc các bãi biển tỉnh Quảng Ngãi. 

Chuyện anh Thương phát động chương trình "Tử tế với Sa Cần" giải cứu núi rác ở cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn) những năm trước từng tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ khắp cả nước, chung tay xử lý rác thải ở các bãi biển. Lần này, cũng chính anh Thương đến tận nơi, quay clip núi rác ngập bãi biển xã Tịnh Kỳ và kêu gọi mọi người chung tay xử lý rác.

Sau lời kêu gọi của chàng trai tử tế với thiên nhiên ấy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra hiện trường và hôm nay có cuộc giải cứu này. Anh Thương viết trên trang mạng xã hội cá nhân với sự trăn trở rất lớn trước thực trạng rác thải ngập ngụa, người dân sống chung với rác thải là nỗi đau với rất nhiều người yêu quý thiên nhiên và mong rác thải vĩnh viễn biến mất trong cuộc sống như anh Thương.

Cách đây 1 tuần, phóng viên Tuổi Trẻ cũng ghi nhận tình trạng rác thải ở Tịnh Kỳ, núi rác ấy quá khủng khiếp và hơn 90% là rác thải sinh hoạt. Người dân muốn ra biển phải bước trên đống rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc khi lẫn trong đó còn có cả xác động vật. 

Tháng 4-2021, người dân địa phương và các tình nguyện viên trong chương trình "Tử tế với Sa Kỳ" đã đến và dọn sạch bờ biển này. Nhưng chỉ qua một mùa bão, người dân đón nhận bãi rác còn lớn hơn. Chú Nguyễn Cư (xã Tịnh Kỳ) tham gia dọn rác cho biết: "Toàn bộ rác này ở địa phương khác theo sông chảy ra cửa biển và tấp vào bãi biển. Có sáng thức dậy, rác dày thêm cả gang tay".

Bới cát tìm rác - Ảnh 2.

Bãi biển trước khi dọn (chụp ngày 1-1-2022) - Ảnh: TRẦN MAI

Ra tay giải cứu

Rác thải ở bờ biển xã Tịnh Kỳ không chỉ lộ thiên mà còn ẩn dưới lớp cát, dù ý thức của người dân nơi đây đã tốt lên nhưng hàng chục năm qua, bãi biển này "gánh" biết bao nhiêu rác mà biển đã "giấu đi" bằng những lần sóng vỗ. 

Công ty Môi trường đô thị Quảng Ngãi đã cử 13 xe cơ giới, 30 nhân công phối hợp với người dân địa phương và các tình nguyện viên "giải cứu". Con người đi trước với cuốc, xẻng, cào dọn rác thải trên mặt. Phía sau, xe đào xới tung lòng cát, gàu múc đến đâu, rác ngồn ngộn đến đó.

Chị Nguyễn Thị Nga (xã Tịnh Kỳ) tham gia dọn rác kể về một thời sóng biển tràn vào bãi cát vàng óng. Chị Nga lớn lên với ký ức đẹp ấy. Nhưng rồi chị càng lớn, bờ biển ngày một tệ hơn, rác thải đã dần xóa đi hình ảnh những đứa trẻ nô đùa bên chân sóng. Chỉ còn người lớn vì gánh mưu sinh phải bước trên rác ra biển. 

Hôm nay, chị Nga tham gia dọn rác với mong muốn ký ức thật đẹp về bãi biển quê nhà sẽ trở lại, thế hệ con, cháu của chị sẽ như thời chị, lớn lên bên bãi biển với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. 

"Tôi nghĩ lần giải cứu bãi biển này sẽ lấy bớt rác khỏi bãi biển. Còn muốn sạch đẹp phải bắt đầu từ ý thức của toàn dân. Tôi nghĩ việc dọn rác là trách nhiệm của thế hệ mình, không thể chờ đến thế hệ con cháu được", chị Nga tâm sự.

Chiếc xe đào hoạt động hết công suất nhả khói đen ngòm, bên cạnh là bóng những người không quản ngại mưa gió dọn rác tạo nên niềm tin bãi biển này mỗi ngày sẽ sạch đẹp hơn. Đâu đó trong nỗi niềm của mình, anh Thương cảm thấy vui bởi không chỉ công ty môi trường, người dân địa phương mà nhiều tình nguyện viên đã chung tay. 

Một nhóm tình nguyện viên hợp sức kéo chiếc bao nilông rất lớn, bên trong chứa rất nhiều bao nilông nhỏ và xác một con gà đã phân hủy bốc mùi nồng nặc nói rằng: "Chắc người xả cái bao này họ không biết anh em mình đang bở hơi tai đi dọn".

Nhóm cứ lầm lũi tiếp tục công việc "bao đồng" của mình. Họ giúp nhau cởi áo mưa tiện lợi cho đỡ nóng dù trời đang mưa lớn và gió thổi lộng từ biển vào. Những người tham gia dọn rác bảo rằng đây chỉ là đợt "cấp cứu" cho bãi biển này, bởi mùa mưa bão nào rác cũng ngập ngụa như vậy. 

Khi phía thượng nguồn còn xả rác thì phía hạ nguồn phải lãnh đủ. Tất cả đều do con người tạo ra lẽ tất yếu con người phải dọn dẹp. Chỉ là người xả ở nơi này, người dọn ở nơi khác.

Bới cát tìm rác - Ảnh 3.

Bãi biển sau khi dọn - Ảnh: TRẦN MAI

Kế hoạch 10 năm

"Tử tế với Sa Kỳ" là chương trình dọn sạch các bãi biển bao quanh cửa biển Sa Kỳ, những năm qua các đợt dọn rác của những người trẻ kết hợp với người dân địa phương vẫn âm thầm diễn ra. Có rác là có người dọn. Với nhiều người đó gần như là việc làm vô ích khi "vòng tròn" kẻ vứt rác người đi dọn cứ lặp đi lặp lại. 

Nhưng với anh Thương, nhìn vào cửa biển Sa Cần sạch đẹp, người dân các xã thượng nguồn sông Trà Bồng cam kết không xả rác, còn người dân ở cửa biển Sa Cần chủ động dọn rác khi có bao nilông nào trôi dạt bãi biển, anh và những người cùng chí hướng lại có thêm niềm tin không chỉ bãi biển xã Tịnh Kỳ mà các bãi biển ở quanh cửa biển Sa Kỳ sẽ không còn rác nữa. 

Anh Thương bảo rằng: "Dọn rác không phải là việc vô ích, rồi đâu lại vào đấy. Mà dọn rác là để làm sạch dần dần, đánh động trách nhiệm của từng người và dọn rác cũng là làm việc thiện".

Núi rác dù chưa được dọn xong, nhưng nhìn hình ảnh một tuần trước và sau khi dọn cũng khiến anh Thương hài lòng. Thêm một niềm vui nữa là người dân địa phương chủ động tham gia mà không cần phải vận động. Có lẽ những người xa lạ đến làm sạch môi trường sống cho mình cũng đủ để người dân quyết tâm bảo vệ bãi biển trước làng mình hơn. 

Nói như ông Nguyễn Cư: "Tôi mong phía thượng nguồn không xả rác nữa thì rác tồn đọng vài chục năm qua người dân sẽ dần dần dọn sạch". Chẳng cần những câu khẩu hiệu hay những lần ra quân, ý thức được vun vén từ những việc làm bé nhỏ mà thiết thực.

Anh Nguyễn Hữu Bảo Linh, phó bí thư Xã đoàn Tịnh Kỳ, chung tay dọn rác đã lên hẳn một kế hoạch cho những ngày sắp đến. Những người trẻ ở xã Tịnh Kỳ ngày cuối tuần sẽ đi bãi biển này dọn rác. Họ quyết tâm không để công sức của rất nhiều người hôm nay trở nên vô nghĩa trong tương lai. 

Anh Linh nói: "Chúng tôi sẽ phát động ngày chủ nhật xanh và các bạn trẻ ở xã Tịnh Kỳ sẽ làm tiên phong dọn rác thải tấp vào bãi biển. Tiếp đến sẽ là tất cả người dân chỉ cần thấy rác là dọn dẹp vào đúng nơi quy định mà không cần quan tâm ai xả ra".

Xa hơn sẽ là 10 năm nữa, các thành viên trong chương trình "Tử tế với Sa Kỳ" tiếp tục theo dõi câu chuyện rác thải và họ sẽ còn đồng hành với cư dân "chiến đấu" đến cùng để bảo vệ thiên nhiên. Những điểm đỏ môi trường hôm nay sẽ trở thành điểm xanh của du lịch, dịch vụ trong tương lai. Bãi biển sẽ không còn chứa rác mà chào đón du khách đến tham quan.

Đổi ngày công dọn rác lấy quà

Không chỉ kêu gọi "giải cứu" rác, nhóm "Tử tế với Sa Kỳ" còn triển khai chương trình "đổi công dọn rác lấy quà tặng". Quà tặng dành cho bất kể người dân nào ở xã Tịnh Kỳ tham gia dọn rác đúng 1 buổi sẽ tùy chọn 1 suất quà là 1 vật phẩm như giỏ nhựa đi chợ, dầu ăn, bột ngọt, đường...

Những phần quà mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất để các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ tại xã Tịnh Kỳ khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia. Sau đó dùng quà tặng để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Xa hơn, nhóm "Tử tế với Sa Cần" mong muốn những phần quà ấy như một lời nhắc nhớ mọi người chung tay vì những bãi biển sạch đẹp, bắt đầu từ chính ý thức của mỗi người.

TRẦN MAI



Tin tức liên quan

  • Thanh Hóa hỏa tốc đề nghị tìm kiếm 15 ngư dân mất tích
  • Thứ năm, 11/01/2018 - 08:13
  • Tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; UBND thành phố Hải Phòng về việc báo cáo tình hình tàu cá bị nạn trên biển do không khí lạnh gây ra và việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, địa phương này hiện có 5 tàu cá bị chìm khiến 15 lao động đi trên tàu mất tích.

  • Vụ xã "xin" phần trăm tiền hỗ trợ lũ lụt: Trả lại tiền cho dân
  • Thứ tư, 07/02/2018 - 10:21
  • Liên quan đến việc “quan xã” Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) "xin" phần trăm tiền hỗ trợ lũ lụt của người dân để "chè nước, đi lại", sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Hoằng Hóa đã yêu cầu xã Hoằng Phong trả lại hết số tiền đó cho dân.

  • Chi trả tiền hỗ trợ bão số 10 không đúng đối tượng?
  • Thứ tư, 07/02/2018 - 15:19
  • Theo phản ánh của người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), sau cơn bão số 10 năm 2017 vừa qua, trên địa bàn xã bị thiệt hại khá lớn do tràn đê Canh 2. Để có cơ sở hỗ trợ, chính quyền các cấp cũng đã có chỉ đạo các gia đình tự kê khai thiệt hại để nhà nước hỗ trợ.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn