Bốn bộ ngành chi hơn 1.000 tỷ đi nước ngoài một nhiệm kỳ

Thứ tư, 11/7/2018, 00:21 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2012-2016, bốn bộ ngành và sáu tỉnh cử trên 17.500 đoàn đi nước ngoài với gần 53.000 lượt cán bộ.

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn thiện kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét. 

Theo kết luận, trong giai đoạn 2012-2016 (thời gian tương đương một nhiệm kỳ), các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Sáu tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.

Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

Kết luận của cơ quan thanh tra nêu, Bộ Công Thương dẫn đầu trong danh sách cử các đoàn đi công tác; đứng thứ hai là Bộ Tài chính.

Hầu hết các bộ ngành, địa phương đều có lãnh đạo đi nước ngoài quá 2 lần mỗi năm, vẫn có đoàn bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng bộ, địa phương đi chung đoàn; có đoàn số lượng trên 10 người đi, thời gian hơn 10 ngày; nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân). 

Năm 2017, ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương.

Ông Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011- 2016. Ảnh: QH

Một số trường hợp cá biệt được kết luận chỉ ra như: ông Vũ Huy Hoàng khi làm Bộ trưởng Công Thương vào năm 2014 đã tham gia 23 đoàn đi nước ngoài; năm 2015 tham gia 22 đoàn với tổng thời gian đi nước ngoài 163 ngày (chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm); bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có năm đi nước ngoài trên 10 lần (có cả việc riêng, việc công, cả đối tác mời).

Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp.

Kết luận chỉ rõ, nhiều hồ sơ không có quyết định cho nghỉ phép hoặc đơn xin nghỉ không lương trong thời gian đi nước ngoài; một số trường hợp đi không có sự chấp thuận, về trễ thời gian nhưng không thấy xử lý...

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý đã quyết định, tham gia các đoàn đi nước ngoài không đúng quy định.

Bộ Tài chính: 'Khó kìm định mức đi nước ngoài không quá 2 lần một năm'

Trao đổi với VnExpress về nội dung trên, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Tài chính cho biết Bộ đã nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Lý giải việc nhiều lãnh đạo đi nước ngoài quá hai lần trong năm trong khi quy định hiện hành là "mỗi năm không quá hai đoàn đi nước ngoài bằng tiền ngân sách", bà Mai cho rằng "không phải toàn bộ các chuyến công tác của cán bộ trong ngành đều sử dụng chi phí từ ngân sách nhà nước mà còn có của các tổ chức, đơn vị hợp tác tài trợ". 

Bộ Tài chính có nhiều dự án hợp tác quốc tế trợ giúp kỹ thuật không hoàn lại từ Ngân hàng Thế giới, JICA (Nhật Bản)... Với mỗi dự án, các tổ chức này đều có phần kinh phí đi lại, học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, một số chuyến công tác nước ngoài của cán bộ Bộ Tài chính thực tế chỉ là "đi từ phía cửa khẩu Việt Nam sang nước bạn", đặc biệt của cán bộ ngành hải quan, nên các khoản chi phí không quá tốn kém.

"Hiện rất khó để kìm định mức đi nước ngoài không quá 2 lần mỗi năm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, các hoạt động hợp tác ngày càng mở rộng", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Cũng theo bà Mai, hàng năm cơ quan này thường được Chính phủ giao tham dự các vòng đàm phán liên quan đến thuế, mở cửa hoạt động thị trường tài chính, chứng khoán, đàm phán vay vốn, huy động tài chính trên thị trường quốc tế, xử lý nợ..., nên kinh phí và số lượng đoàn ra vào của Bộ Tài chính có thể nhiều hơn các bộ ngành khác.

Bộ Công Thương: 'Giai đoạn 2012-2016 là cao điểm đàm phán hội nhập'

Đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ này đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, hàng năm Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đoàn đi công tác nước ngoài do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp, trình Thủ tướng phê duyệt và kế hoạch điều chỉnh thường được gửi Bộ Ngoại giao vào quý II.

Với các đoàn do Bộ trưởng làm trưởng đoàn hoặc tham gia theo yêu cầu của cấp trên, Bộ thực hiện báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng.

Trong số các đoàn công tác trong giai đoạn 2012-2016 do Bộ Công Thương ban hành quyết định, có nhiều đoàn Bộ chỉ đóng vai trò chủ trì, thành phần tham gia gồm đại diện từ nhiều bộ, ngành khác để thực hiện công tác đàm phán, hội nhập.

Ngoài ra, nhiều đoàn khác do lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương đi công tác nước ngoài để đàm phán, ký kết hợp đồng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Mặt khác, từ 2012-2016 là giai đoạn cao điểm khi Việt Nam tiến hành đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu…, các thoả thuận hợp tác, thành lập các Uỷ ban liên Chính phủ, Uỷ ban hỗn hợp, Tiểu ban thương mại. “Theo yêu cầu công việc và kế hoạch được phê duyệt, nhiều đoàn công tác nước ngoài cần lãnh đạo Bộ Công Thương làm trưởng đoàn với thành phần tham gia của các bộ, ngành hữu quan”, Bộ Công Thương nêu. 

Cũng theo cơ quan này, do đặc thù và tính chất công việc, ngoài việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại, Bộ còn thực hiện chương trình công tác đột xuất theo yêu cầu của cấp trên. Và các chương trình trên “luôn tuân thủ quy định, yêu cầu tại Chỉ thị 21/TW về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Tuy nhiên để tránh “các cách hiểu khác nhau”, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, thống nhất hướng dẫn thực hiện chỉ thị trên, trong đó lưu ý tới một số Bộ, ngành có nhiệm vụ đặc thù thực hiện các công tác đối ngoại theo nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng và Nhà nước giao.

Năm 2014 Bộ Chính trị đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện xem xét cắt giảm các đoàn không cần thiết hoặc có nội dung trao đổi, làm việc không phù hợp với nước sở tại. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu các đoàn trước khi đi nước ngoài phải nêu rõ mục đích, nội dung làm việc của chuyến đi rõ ràng, có kế hoạch dự toán kinh phí và phải có báo cáo kết quả kết thúc chuyến đi cho cơ quan có thẩm quyền...

Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953, quê Hải Phòng, có học vị tiến sĩ kinh tế, là Ủy viên Trung ương Đảng Khoá X, XI.

Từ tháng 8/2007, ông là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương; tháng 4/2016, ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công Thương.

Tháng 1/2017, ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng và Ban bí thư cũng đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016) với ông Hoàng.



Tin tức liên quan

  • Tốn tiền đi hội thảo nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm tiến
  • Thứ năm, 19/07/2018 - 11:50
  • "Có hàng nghìn hội thảo và những chuyến đi khảo sát nước ngoài của chừng ấy cán bộ của Nhà nước. Tiền ngân sách, viện trợ ODA, tiền của bản thân doanh nghiệp Nhà nước đó cũng có. Nhưng kết quả cuối cùng chúng ta thấy hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước còn có nhiều vấn đề", bà Phạm Chi Lan nói.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn