Các hãng xe lo ngại vì Mỹ muốn tăng thuế nhập khẩu

Thứ bảy, 26/5/2018, 09:02 (GMT+7)

Donald Trump đề xuất áp dụng thuế nhập khẩu ôtô và các linh kiện, phụ tùng đến 25%, có thể gây xáo trộn cho toàn ngành.

Theo Wall Street Jounal, cổ phiếu của những nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới gồm Volkswagen AG, Toyota Motor Corp, BMW AG và Daimler AG đều giảm hôm 24/5, một ngày sau khi phòng thương mại Mỹ đưa ra thăm dò về việc có nên tăng thuế nhập khẩu ôtô đến 25%, dựa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia cơ bản. 

Mỹ bảo vệ ngành lắp ráp

Cuộc thăm dò cũng đề cập đến xung đột về thuế đối với thép và nhôm, giữa Mỹ và 3 đồng minh thân cận Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Những quốc gia xuất khẩu ôtô nhiều nhất thế giới. 

Phòng thương mại Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump có thể viện dẫn lý do bảo vệ lợi ích quốc gia để áp dụng thuế mới đối với ôtô và các linh kiện nhập khẩu. “Những tin tốt sẽ sớm đến với người lao động trong ngành ôtô. Sau nhiều thập kỷ, công việc bị chuyển sang những quốc gia khác, họ không đáng phải chờ đợi thêm nữa”, Tổng thống Trump chia sẻ trên Twitter. 

Động thái của Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến Đức, bởi ông Trump nhiều lần lên tiếng về việc xuất khẩu xe của quốc gia này, cũng như việc sử dụng nhiều gas mua từ Nga và các chi phí cho quân sự. Nga và Mỹ vốn có những bất đồng trong quan hệ thương mại. 

VW và nhiều hãng xe lớn của Đức sẽ chịu ảnh hưởng nếu chính sách thuế mới được thông qua. Ảnh: Top picture.

VW và nhiều hãng xe lớn của Đức sẽ chịu ảnh hưởng nếu chính sách thuế mới được thông qua. Ảnh: Top picture.

Trong khi đó, nhà chức trách Đức, nơi đặt hàng tá cơ sở quân sự của Mỹ, khẳng định những rào cản thương mại sẽ không tạo áp lực lên việc tìm kiếm đồng minh mới. Tuy nhiên, khi bà Angela Merkel gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hôm thứ 5, cả 2 bên đã đạt thoả thuận về tự do thương mại và đồng thuận trong việc chống lại những thay đổi của Mỹ đối với các quy định thương mại toàn cầu. 

“Trung Quốc và Đức cam kết giữ quan hệ song phương, đồng thuận về tự do và công bằng thương mại”, bà Merkel phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh. Trong khi đó, ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc vẫn mở cửa và có thể còn mở rộng hơn trong tương lai. 

Chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được thoả thuận về việc sửa đổi luật tự do thương mại với Hàn Quốc. Hiện tại, Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc và liên minh châu Âu về các vấn đề thương mại, tiếp theo sẽ thoả thuận với Nhật Bản. Đây là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nếu chính sách thuế mới của Mỹ có hiệu lực. 

Hàng rào thuế quan ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp

Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô từ 25% xuống 15%, bắt đầu từ 1/7, đồng thời giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ 8% và 25% xuống 6%. 

Theo Trung tâm nghiên cứu ngành công nghiệp ôtô, 56% lượng xe bán tại Mỹ năm ngoái là xe sản xuất trong nước, trong khi xuất xứ Canada và Mexico chiếm khoảng 22%. Ngoài 2 quốc gia có hiệp định tự do thương mại với Mỹ kể trên, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu ôtô lớn nhất sang Mỹ.

“Nếu chính sách thuế mới được thông qua, nhiều cản trở về thương mại sẽ xuất hiện và thị trường ôtô rơi vào trạng thái lộn xộn”, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko chia sẻ. 

Các hãng xe Nhật Bản gồm Toyota, Nissan, xuất khẩu 1,7 triệu chiếc, trị giá khoảng 41 tỷ USD sang Mỹ năm ngoái. Những dòng xe bán chạy nhất như Toyota RAV4 hay Nissan Rogue đều không sản xuất tại Mỹ.

Trong khi đó, liên minh châu Âu xuất khẩu 1,2 triệu xe, trị giá 43 tỷ USD sang Mỹ, phân nửa là các hãng xe Đức như VW, Audi, Porsche, BMW và Mercedes. Liên Minh châu Âu áp dụng mức thuế nhập khẩu 10% đối với xe từ Mỹ. Hiện tại, Mỹ áp mức thuế nhập khẩu đối với xe từ Nhật Bản và châu Âu là 2%, miễn thuế đối với Mexico và Canada.

Các hãng xe Nhật Bản và Đức đã tiêu tốn hàng tỷ USD kể từ năm 1980, để nâng cao năng lực sản xuất tại Mỹ và Mexico. Những dòng xe sản xuất tại Mỹ không bị đánh thuế, tuy nhiên tương lai của những xe xuất xứ Mexico còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ. Bất chấp sự đầu tư vào các nhà máy ở Bắc Mỹ, doanh số xe nhập khẩu vẫn chiếm phần lớn. 

Ông Trump đã áp dụng chính thuế nhập khẩu thép và nhôm 25% đối với nhiều nước đồng minh thân cận. Chính quyền Mỹ đưa ra những ngoại lệ có thời hạn hoặc vô thời hạn khi áp dụng chính sách thuế mới với một số nước đồng minh, nhưng không có Nhật Bản. Điều này có thể khiến Nhật Bản đệ đơn kiện lên tổ chức Thương mại thế giới WTO. 

Toyota RAV4 là dòng SUV bán chạy nhất của hãng xe Nhật Bản tại Mỹ. Ảnh: Motortrend.

Toyota RAV4 là dòng SUV bán chạy nhất của hãng xe Nhật Bản tại Mỹ. Ảnh: Motortrend.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô Đức gồm VW, BMW và Daimler nhấn mạnh rằng họ đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở sản xuất tại Mỹ, cung cấp hàng chục nghìn việc làm cho người dân tại đây, dẫn đến việc giảm 25% sản lượng xuất khẩu từ năm 2013 đến nay. “Không quốc gia nào được hưởng lợi khi áp dụng chính sách bảo vệ đơn phương dài hạn”, đại diện của VW cho biết. 

Người đứng đầu phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho rằng chính sách thuế mới có thể làm phát sinh đến 7 tỷ USD chi phí hàng năm khi xuất khẩu xe vào Mỹ. 

Thuế cao không hoàn toàn có lợi

Theo các nhà phân tích, chính sách thuế mới có thể sẽ tạo ra tác dụng ngược với nhà sản xuất và khách hàng Mỹ. 3 hãng xe lớn nhất nước Mỹ gồm GM, Ford, và Fiat Chrysler nhập khẩu gần 2 triệu xe vào Mỹ năm ngoái, chủ yếu từ Mexico. Riêng GM nhập khẩu 25% số lượng xe bán tại Mỹ, khi áp thuế mới, giá bán xe có thể tăng cao hơn hiện tại. 

Khoảng 25% trong tổng số 519.000 xe GM sản xuất tại Hàn Quốc năm ngoái được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu những ông lớn sản xuất ôtô tại Detroit bị áp dụng chính sách thuế mới của ông Trump, đó là điều hết sức vô lý, một nhà phân tích tại Hàn Quốc cho hay. 

Trước nguy cơ chịu thuế nhập khẩu mới, các nhà sản xuất xe Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo về những bất lợi người Mỹ có thể đối mặt. Nissan và Honda cho biết nếu chính sách thuế mới có hiệu lực, khách hàng Mỹ sẽ không còn nhiều lựa chọn khi mua ôtô và giá xe có thể tăng cao. 

GM nhập khẩu khoảng 25% lượng xe bán tại Mỹ. Ảnh: CNBC

GM nhập khẩu khoảng 25% lượng xe bán tại Mỹ. Ảnh: CNBC

Hiện tại, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc chỉ chiếm lượng nhỏ xe nhập khẩu vào Mỹ, tuy nhiên nhiều nhà sản xuất ôtô thế giới đặt nhà máy sản xuất tại đây. Ford đã chuyển dòng xe toàn cầu Focus về sản xuất tại Trung Quốc và chờ đợi xuất khẩu ngược trở lại dòng xe này. 

Chính sách thuế đối với linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tác động trực tiếp đến các công ty Trung Quốc trực diện hơn. Năm ngoái, lượng linh kiện, phụ tùng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đạt 17 tỷ USD, chỉ đứng sau Mexico. Điều này có nghĩa, người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều hơn để mua ôtô mới, dù đó là những chiếc xe sản xuất tại Mỹ vì giá vật liệu đầu vào tăng cao.


Phương Linh



Tin tức liên quan

  • Xe giá rẻ Trung Quốc cấp tập vào Việt Nam, lấn lướt các dòng xe sang
  • Thứ bảy, 02/06/2018 - 09:00
  • Bắt mắt vì giá xe rẻ, ngoại hình đẹp, tuần qua lượng lớn xe con từ Trung Quốc đã nhập thành công vào Việt Nam, trong khi đó, xe từ các nước như Indonesia, EU luôn ở trong tình trạng khó nhập. Những chiếc xe giá rẻ của Trung Quốc đang thực hiện cuộc xâm nhập lần thứ 2 vào Việt Nam sau lần thất bại thảm hại cách đây gần 10 năm.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn