Cai nghiện xong được hỗ trợ vay vốn làm ăn

Thứ Năm, ngày 5/3/2020 - 06:10

(PL)- 15 tỉnh, thành tiếp tục được Thủ tướng cho phép triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy…

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 02/2020 (QĐ 02) sửa đổi, bổ sung Quyết định 29/2014 về chính sách hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và người bán dâm hoàn lương. Quyết định này đã bổ sung thêm một số quy định mới và tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm chính sách này.

Cá nhân được vay 20 triệu đồng trong 36 tháng

Theo QĐ 02, chính sách này sẽ được tiếp tục thí điểm tại 15 tỉnh, thành đến hết 31-12 -2020. Đến năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả đạt được và tác động của chính sách, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc mở rộng thực hiện quyết định trên phạm vi cả nước.

Luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết so với QĐ 29/2014 thì QĐ 02 đã có một số điểm mới về thủ tục vay vốn và nguồn vốn vay.

Cụ thể, quy định về nguồn vốn cho vay được lấy từ ngân sách nhà nước 50%, phần còn lại 50% là từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và các nguồn huy động hợp pháp khác (trước đây quy định nguồn vốn lấy từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác). Điều này góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Về thủ tục xác nhận đối tượng vay vốn, nếu việc vay vốn thông qua hộ gia đình, các thành viên của hộ gia đình không là chủ thể tham gia việc vay vốn thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện đứng ra vay vốn.

Theo luật sư Nhàn, đối tượng được vay vốn là các cá nhân nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Mức vay tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng và 30 triệu đồng đối với hộ gia đình. Trong giai đoạn thí điểm, thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng.

Cai nghiện xong được hỗ trợ vay vốn làm ăn - ảnh 1

Điều kiện và thủ tục vay vốn

Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH, Chi nhánh TP.HCM cho biết điều kiện để được vay vốn là cá nhân phải có nơi cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương nơi vay vốn, có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ vay theo cam kết.

Người vay là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH, sống một mình hoặc sống cùng con chưa đến tuổi lao động hoặc sống cùng bố, mẹ, vợ, chồng, con, ông, bà, anh, chị, em ruột. Những người này đã quá tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu là người nhiễm HIV phải có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện.

Nếu đối tượng vay là người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải xong thời gian dò liều và có thời gian điều trị ổn định từ ba tháng trở lên, có xác nhận của người phụ trách cơ sở điều trị.

15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP.HCM, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu. 

Đối tượng là người bán dâm hoàn lương phải có xác nhận không còn bán dâm của chủ tịch UBND cấp xã hoặc người đứng đầu một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc chủ nhiệm câu lạc bộ, trưởng nhóm hoặc tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân thành lập.

Về quy trình cho vay, ông Tiên cho biết đầu tiên người vay viết giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (theo mẫu của NHCSXH) gửi tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa bàn khu phố, ấp nơi người vay đang sinh sống.

Tổ tiết kiệm và vay vốn sau khi nhận hồ sơ của người vay đối chiếu với danh sách đã được chủ tịch UBND xã xác nhận thuộc đối tượng cho vay thì tiến hành họp bình xét cho vay…

Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nộp bộ hồ sơ vay vốn đến NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục phê duyệt.

Nhận được hồ sơ vay vốn, cán bộ NHCSXH thực hiện việc kiểm tra tính đầy đủ, đúng đắn của hồ sơ vay vốn, đối chiếu với danh sách đã được chủ tịch UBND cấp xã xác nhận về đối tượng vay vốn. Nếu đảm bảo các yếu tố theo quy định thì trình giám đốc phê duyệt cho vay, đồng thời lập thông báo kết quả phê duyệt cho vay gửi UBND cấp xã và làm thủ tục giải ngân theo quy định.

Chương trình tín dụng đầy tính nhân văn

Đây là một chương trình tín dụng đầy tính nhân văn, bởi những đối tượng trên được xếp vào nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ giúp đỡ, nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu.

Chương trình này đã giúp cho các đối tượng thụ hưởng dần dần xóa được mặc cảm tự ti, dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Việc hỗ trợ vốn hiệu quả cũng giảm được một phần chi phí y tế của Nhà nước khi đối tượng được vay vốn đã có việc làm, thể lực khỏe hơn, chăm chỉ vào công việc làm ăn và sớm quên được quá trình lầm lỡ, nghiện ngập, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Ông Trần Văn TiênGiám đốc NHCSXH, Chi nhánh TP.HCM

 

HỮU ĐĂNG



Tin tức liên quan

  • Mùa dịch khó khăn trăm bề lại khó vay vốn
  • 12/07/2021 06:25
  • Giữa lúc doanh nghiệp, người dân đang kỳ vọng việc tiêm chủng vắc xin đại trà sẽ khiến kinh tế bật dậy mạnh mẽ thì doanh nghiệp lẫn cá nhân lại lo lắng khi gần đây vay vốn khó hơn...

  • Sinh viên gặp khó khi làm thủ tục xác nhận sinh viên
  • 05/10/2021 14:15
  • Sinh viên một số trường đại học ở TP.HCM đang bị địa phương làm khó khi yêu cầu họ phải nộp giấy chứng nhận sinh viên (bản chính, có mộc đỏ) để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự hoặc làm thủ tục vay vốn tín dụng học tập.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn