Cần đơn giản hóa thủ tục đình công

Thứ sáu, 23/03/2018 - 09:00

Chiều 22/3, Đoàn công tác Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Trần Văn Lý dẫn đầu có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Bình Dương về thực hiện đề án “Thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động và đình công tại tỉnh Bình Dương”. Cùng chủ trì là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hữu Từ.

Đây là buổi làm việc cụ thể hóa kết luận của đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương - tại Hội nghị thông tin, quán triệt về vấn đề đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể, đình công với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết: Trong 5 năm từ 2013 đến năm 2017, tại 42/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 1.630 cuộc ngừng việc tập thể và đình công.

Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.Hồ Chí Minh xảy ra 360 cuộc, chiếm 22,09%; tỉnh Bình Dương xảy ra 373 cuộc, chiếm 22,88%; tỉnh Đồng Nai xảy ra 161 cuộc, chiếm 9,88%; các tỉnh, thành phố khác xảy ra 736 cuộc chiếm 45,15%.

“Tất cả các cuộc ngừng việc tập thể đều không đúng trình tự pháp luật, mang tính tự phát, không do công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu của các cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích mà nổi bật là những nguyên nhân liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động như nợ lương; không điều chỉnh lương tối thiểu; trả lương không đúng quy định, không theo hợp đồng lao động hoặc trừ thu nhập trái pháp luật; tăng định mức lao động để giảm tiền lương của người lao động; vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nợ BHXH, không đóng BHXH, điều kiện lao động khắc nghiệt, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo...” - ông Hiểu nói.

Ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Để các cuộc đình công được đúng pháp luật, sắp tới việc thí điểm phải đảm bảo gỡ được những vướng mắc trong luật, đơn giản hóa thủ tục, phân rõ trách nhiệm của tổ chức nào để anh chị em công nhân tin tưởng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý cho rằng: Từ những kiến nghị của Bình Dương, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng đề án thí điểm và tiếp tục lấy ý kiến để có được mô hình giải quyết phù hợp, chú ý phát huy vai trò của chủ tịch công đoàn cơ sở, sức mạnh của tập thể công nhân là sức mạnh của chủ tịch công đoàn cơ sở, của tổ chức công đoàn.

Theo Báo Lao động



Tin tức liên quan

  • Công ty hứa làm 8 tiếng như cũ, công nhân đòi có văn bản
  • 03/05/2018 12:50 GMT+7
  • TTO - Sáng 3-5, khoảng 1.000 công nhân Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Khu Công Nghệ Cao, Q.9, TP.HCM) đã đình công, tập trung trước cổng công ty do bất bình về quy định giờ giấc làm việc cũng như chế độ lương, nghỉ phép mới.

  • Công ty cổ phần 482 vỡ nợ: Hàng trăm lao động lao đao, bị treo sổ bảo hiểm!
  • Thứ hai, 09/07/2018 - 06:21
  • Mấy ngày hôm nay, hàng trăm lao động bị nợ lương từ 2016, không được đóng bảo hiểm xã hội từ đầu năm 2015 của Công ty cổ phần xây dựng 482 đóng tại TP Vinh, Nghệ An, đã tập trung ở trụ sở công ty và đến nhà giám đốc để đòi quyền lợi chính đáng mà mấy năm nay họ bị bỏ mặc.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn