Cần nhiều cơ chế giám sát các dự án PPP

28/04/2020 16:50

Các chuyên gia cho rằng phải tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư có thể giám sát các dự án PPP trong quá trình xây dựng và khai thác, kết quả giám sát phải có giá trị ràng buộc các bên tham gia.

Cần nhiều cơ chế giám sát các dự án PPP - Ảnh 1.

Bốn tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm xây dựng theo hình thức BT - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 28-4, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Bộ Thông tin - truyền thông) tổ chức hội thảo trực tuyến về "Các vấn đề về tài trợ vốn và cơ chế giám sát dự án PP" để góp ý cho dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tại hội thảo, PGS.TS Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý cho Hiệp Hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), cho rằng quy định về giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và cộng đồng là một trong những tiến bộ của dự thảo.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng nhận xét nội dung về giám sát cộng đồng đối với các dự án PPP trong dự thảo luật còn quá sơ lược.

Dự thảo chỉ có 2 điều quy định về nội dung giám sát của cơ quan MTTQ mà không có quy định cụ thể về nội dung giám sát của cộng đồng dân cư.

"Cần quy định rõ trình tự thủ tục, nội dung giám sát, phương thức và nhất là giá trị pháp lý của kết quả giám sát cộng đồng. Trách nhiệm của các đơn vị giải trình về kết quả giám sát như thế nào, việc tiếp thu và kết quả tiếp thu sẽ phản hồi cho người dân ra sao…", ông Huệ kiến nghị.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng đề nghị một cơ chế giám sát mới là cùng một công trình thì nên lập thêm một dự án đầu tư công bên cạnh dự án PPP để đối chứng.

Cũng tại hội nghị, luật sư Nguyễn Tiến Lập chỉ ra 4 vấn đề của việc đầu tư dự án PPP ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất là mất cân đối về số lượng dự án trong các lĩnh vực đầu tư PPP, đó là số lượng dự án ở lĩnh vực giao thông chiếm đa số vì có yếu tố lợi ích nhóm.

Thứ hai là quyền lợi của cộng đồng và người dân, với tư cách là người tiêu dùng, không được bảo đảm;

Thứ 3 là chất lượng sản phẩm của các dựa án PPP không tốt, nhanh xuống cấp, nhất là các công trình giao thông.

Cuối cùng là lượng vốn tư nhân bỏ vào công trình không nhiều, phần lớn là vốn của nhà nước và vốn ngân hàng (cũng do nhà nước bảo hộ để không phá sản).

Theo luật sư Lập, nên bỏ luôn hình thức đầu tư công trình theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) trong các phương thức PPP. Lý do, "đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng".

"Quy định mới nhất cho phép đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư nhưng ở Việt Nam, việc đấu thầu dự án chưa bảo đảm minh bạch nên không thực chất. Hơn nữa, các nước trên thế giới sử dụng rất hạn chế phương thức đầu tư công trình theo hình thức BT", luật sư Lập trình bày.

D.N.HÀ



Tin tức liên quan

  • Yêu cầu lấy vốn đầu tư công làm "vốn mồi" cho các dự án PPP
  • Thứ ba, 16/01/2018 - 20:30
  • Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn