Cảnh báo tình trạng “ăn bớt” thời gian huấn luyện an toàn lao động

Thứ năm, 12/04/2018 - 08:10

“Những đơn vị dịch vụ không đảm bảo thời gian, chất lượng và chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, chúng ta dứt khoát không cấp phép hoạt động mới. Nếu đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp mà phát hiện được sẽ xử lý mạnh, kể cả rút giấy phép”.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018. Chương trình do Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tổ chức hôm 11/4 tại Hà Nội.

Rút ngắn thời gian huấn luyện ATVSLĐ

Cuộc đối thoại là dịp để các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, đơn vị liên quan về công tác triển khai chính sách ATVSLĐ trong thực tiễn thời gian qua.

Nhiều vấn đề được phản ánh thu hút sự quan tâm của các đại biểu, như: Chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ chưa đảm bảo yêu cầu ở nhiều nơi, công tác giải quyết chính sách cho đối tượng bị tai nạn lao động đôi chỗ còn vướng mắc, thách thức trong việc đảm bảo chính sách ATVSLĐ cho người lao động trong khu vực phi chính thức…

Một trong những vấn đề “nóng” được bàn thảo nhiều là công tác huấn luyện ATVSLĐ. Phát biểu tại Đối thoại, đại diện của Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai nhận định, công tác huấn luyện ATVSLĐ yếu kém đã chiếm tới vài chục phần trăm trong nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.

Nhiều doanh nghiệp có thời gian sản xuất dài và liên tục nên khó khăn trong việc sắp xếp thời gian huấn luyện ATVSLĐ.

Trong khi đó vì muốn giảm mức chi phí cho công tác huấn luyện ANVSLĐ trong nhóm ngành 4, nhiều doanh nghiệp chỉ bố trí công nhân đến rồi chụp hình để bổ sung vào hồ sơ huấn luyện rồi cung cấp cho các cơ quan chức năng. Do đó chất lượng không đảm bảo mà tai nạn lao động lại nhiều.

Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai: “Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện rất nhiều nơi huấn luyện ATVSLĐ không đảm bảo. Hồ sơ huấn luyện rất đầy đủ. Nhưng thời gian huấn luyện chỉ 30 phút hoặc 1 giờ thì làm sao bảo đảm. Doanh nghiệp tranh thủ thời gian công nhân ăn trưa đến gắn máy chiếu vào và nói vài câu. Sau đó cấp cho một bộ hồ sơ hoàn chỉnh!”.

Nhiều đơn vị phản ánh, người lao động bị tai nạn trên đường đi làm đi, nhưng thủ tục giải quyết tai nạn lao động còn gặp khó khăn vì không có sự thống nhất giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, nhiều trường hợp Sở LĐ-TB&XH đã xác nhận là tai nạn lao động nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội không đồng ý vì cho rằng thiếu giấy tờ thủ tục.

Cần chấn chỉnh ngay

Liên quan tới những bức xúc trên, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Pháp luật về ATVSLĐ được coi là lưới an sinh “đỡ lưng” cho người lao động với quy định đủ rộng và chắc. Nếu có vướng mắc gì, Sở LĐ-TB&XH cần có ý kiến ngay với địa phương và Bộ để giải quyết kịp thời”.

Về công tác huấn luyện ATVSLĐ, ông Nguyễn Anh Thơ - Cục Phó Cục An toàn lao động - nhận định: Thực tế khảo sát phát hiện nhiều doanh nghiệp chủ động yêu cầu đơn vị huấn luyện cung cấp dịch vụ huấn luyện với thời gian, mức chi phí thấp hơn quy định. Trường hợp phát hiện những gian dối trên, Cục sẽ đề nghị rút giấy phép đối với đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ.

“Những trường hợp này còn vi phạm Điều 12 Luật An toàn vệ sinh lao động. Nếu sau này có tai nạn lao động gây chết người, cơ quan chức năng điều tra phát hiện có nguyên nhân từ sự gian dối trong huấn luyện thì có thể bị xử lý hình sự” - ông Nguyễn Anh Thơ nói.

Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị Cục An toàn lao động cần có ngay công văn chỉ đạo các đơn vị làm dịch vụ huấn luyện thuộc phạm vi quản lý chấn chỉnh những tình trạng vi phạm như đã phản ánh, đồng thời thực hiện đúng quy định trong huấn luyện ATVSLĐ.

Với những đơn vị không đảm bảo thời gian, chất lượng, chương trình, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu dứt khoát không cấp phép hoạt động. Nếu đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp mà phát hiện được sẽ xử lý mạnh, kể cả rút giấy phép và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên để kéo dài tình trạng vi phạm trong huấn luyện ATVSLĐ vì nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, an toàn của con người”.

Hoàng Mạnh



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn