Chậm thông quan gây thiệt hại hàng tỷ đôla

Thứ sáu, 7/9/2018, 10:45 (GMT+7)

Thông qua hệ thống bảo lãnh thông quan, hàng hóa của doanh nghiệp nhanh chóng được giải phóng thay vì đắp chiếu chờ thủ tục khiến lãng phí tiền của.

Là một doanh nghiệp nhập khẩu thép có thâm niên trên thị trường, song mỗi lần có đơn hàng từ đối tác về, ông Lê Khánh (Long Khánh, Đồng Nai) "mất ăn mất ngủ" vì chờ đợi hoàn tiện các thủ tục thông quan.

Vị này cho biết, doanh nghiệp muốn nhập khẩu một lô thép về phải mất 24 giờ mới xin được công văn đến cơ quan đo lường chất lượng. Sau đó, doanh nghiệp đến đơn vị phân tích hợp chuẩn, khi đẩy đủ giấy tờ mới đến hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về, ông mất thêm 10 ngày chờ kết quả giám định, có kết quả ông quay lại nộp cho cơ quan đo lường chất lường. Sau 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu hay không để thông quan tờ khai hải quan.

"Sớm là nửa tháng, muộn có khi hơn một tháng lô hàng mới thông quan. Thời gian cũng là chi phí nếu tính toán chi li ra tiền.", ông nói.

Câu chuyện của doanh nghiệp ông Khánh không phải là mới, nhưng thường xuyên được đề cập tại các cuộc đối thoại giữa đại diện cơ quan thuế, hải quan, Chính phủ với doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm "Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành" diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPFS) cho biết, thủ tục hải quan "một cửa nhưng vẫn nhiều khóa".

Theo ông, doanh nghiệp nộp hồ sơ vào một cửa nhưng không phải hồ sơ nào cũng trôi chảy. Một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ vào một cửa nhưng vẫn phải quay lại làm tục tại chi cục kiểm dịch (nếu hàng là động thực vật) hay loay hoay bổ sung giấy tờ, gọi điện báo cáo thêm nhiều đơn vị...

Thực tế này, trước đó cũng được Hội đồng tư vấn cải cách chính sách của Chính phủ phản ánh tại báo cáo gửi Thủ tướng: "Cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, tỷ lệ này tương đương 3,2 triệu USD, đồng nghĩa mỗi năm Việt Nam "mất không" gần 1,2 tỷ USD".

Từ 2015 đến nay Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới thì Việt Nam xếp thứ 93 thế giới (tăng 15 bậc so với năm 2015), giảm thời gian thực hiện từ 138 giờ xuống còn 108 giờ.

Tuy nhiên, chỉ số này của Việt Nam chưa đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN 4, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thông quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành, gây cản trở cho sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh thương mại quốc tế.

Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực, ông Nestor Scherbey - cố vấn cao cấp Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) cho rằng, với mỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu chi phí thương mại là rất lớn, và phần lớn xuất phát từ các chính sách kinh tế khi được thực thi dưới bộ luật, quy định - cụ thể là các thủ tục hành chính của một nước qua hoạt động quản lý biên giới của nước đó.

Ông dẫn lại một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại 126 nước cho thấy, thuận lợi hoá thương mại không chỉ là cơ sở hạ tầng cho thương mại. Chỉ khoảng 25% lý do của sự chậm trễ trên các lô hàng là do đường xá hoặc cơ sở hạ tầng cảng yếu kém. 75% là do rào cản hành chính - nhiều thủ tục hải quan, thủ tục thuế, các yêu cầu về giấy chứng nhận, thông quan và kiểm tra hàng hóa - thường là trước khi container đến cảng.

Điều này có nghĩa là các quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch tạo ra một gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế tương đương với mức thuế quan vô hình lên tới 164,25%.

"Mức thuế vô hình 164,25% (hoặc cao hơn) bị áp lên bởi những quy định thương mại lỗi thời và các thủ tục hành chính liên quan, kết hợp lại tạo thành rào cản phi thuế quan và kỹ thuật đáng kể nhất đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam", vị này bày tỏ.

Chậm thông quan hàng hóa khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí.

Chậm thông quan hàng hóa khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí. Ảnh: Quý Đoàn

Theo chuyên gia, đây cũng là rào cản lớn nhất cho sự gia nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn trong số đó không có nguồn lực hoặc khả năng để vượt qua những rào cản này trong tình hình hiện nay.

Tiết kiệm cả triệu đôla hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi ngày

Nhằm hiện đại hóa các quy trình thủ tục quản lý rủi ro và tuân thủ sau thông quan, tháng 9/2017, GATF đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (WTO TFA) bằng cách giới thiệu một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại cho hàng hoá xuất nhập khẩu thương mại. Dự án đã được Chính phủ đồng thuận chỉ đạo nghiên cứu triển khai.

Theo đó, hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ cho phép doanh nghiệp được giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu, chỉ thực hiện các nghĩa vụ về thuế, yêu cầu điều kiện, giấy phép về kiểm tra chuyên ngành sau khi thực hiện thông quan hàng hóa. Đây là công cụ hữu hiệu giải quyết những bất cập của công tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ. Hội đồng tư vấn cải cách chính sách của Chính phủ cho rằng, đây là thách thức rất lớn và để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách, thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.

Vì vậy, theo tổ chức này, việc thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá và giúp tiết kiệm được ít nhất 3,2 triệu USD mỗi ngày trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu về thuế có thể gia tăng từ việc mở rộng hoạt động thương mại do giảm các rào cản, gánh nặng về chi phí...

Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy việc thực hiện WTO TFA có thể làm tăng 60-80% doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Tổng cục Hải quan cho biết, song song với cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống bảo lãnh thông quan đang được Việt Nam nghiên cứu, dự kiến triển khai thí điểm vào năm 2020. Đây là nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý cũng như Chính phủ.

Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại là chủ đề của Hội nghị do Ban phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Tổng cục Hải quan đồng tổ chức vào ngày 10/9 tại Hà Nội. 

Đây là hội nghị của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) bàn về các dự án tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai. Trong đó, nhấn mạnh dự án Bảo lãnh Thông quan - do GATF hỗ trợ kỹ thuật. Đây là một dự án đột phá sẽ làm thay đổi quy trình xuất nhập khẩu tại Việt Nam, hiện đại hoá các thủ tục thương mại và rút ngắn rất đáng kể thời giai giải phóng hàng hoá tại cảng, từ đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh quốc gia.

Thanh Thư



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn