Chênh lệch khủng giá vật tư y tế

08/01/2018 10:11 GMT+7

TTO - Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh - trưởng ban dược - vật tư y tế Bảo hiểm xã hội VN, cùng một loại stent dùng cho người bệnh mạch vành của Ấn Độ, giá đấu thầu chung của các tỉnh thành là 37 triệu đồng, nhưng giá ở Thanh Hóa lại là 57 triệu đồng.

Chênh lệch khủng giá vật tư y tế - Ảnh 1.

Người dân khám bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Có tỉnh mua khớp háng 150 triệu đồng, trong khi các địa phương lân cận chỉ mua loại khớp háng đó giá 58 triệu đồng. Nếu tổ chức đấu thầu tập trung vật tư y tế, ông Tỉnh cho hay chi phí vật tư sẽ giảm rất đáng kể, cả người bệnh và quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ được lợi.

Chênh lệch khủng, người bệnh thiệt

Phiên họp mới đây với Bảo hiểm xã hội VN, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng thuận với đề nghị tổ chức đấu thầu tập trung các vật tư y tế có lượng sử dụng lớn, dải giá có nhiều khác biệt như stent cho người bệnh tim mạch, khớp gối, khớp háng và thủy tinh thể nhân tạo. Ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết cơ quan bảo hiểm đang chuẩn bị để có thể đấu thầu tập trung các vật tư này trong năm 2018.

Theo ông Tỉnh, năm 2017 bảo hiểm đã chi 650 tỉ đồng tiền thủy tinh thể nhân tạo, 600 tỉ cho stent mạch vành, 400 tỉ cho khớp gối, khớp háng nhân tạo, và một vật tư khác cũng có lượng sử dụng nhiều dù ít ai để ý là kim luồn, chi phí một năm cũng lên tới 150 tỉ đồng. Nếu đấu thầu tập trung, ông Tỉnh cho rằng giá sẽ giảm nhiều.

Cụ thể, cùng là sản phẩm kim luồn có loại 3.500 đồng/kim, có loại trên 20.000 đồng/kim. Hay cùng là thủy tinh thể nhân tạo, có loại 2-3 triệu đồng, có loại 19 triệu đồng, hay khớp háng có loại 37 triệu đồng, có loại 58 triệu đồng. Còn dải giá stent dùng cho bệnh nhân mạch vành thì có loại 25 triệu đồng/chiếc, có loại lên tới 200 triệu đồng nếu đó là stent sinh học…

"Ở sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo thì các chuyên gia thẩm định đã đưa ra mức trần là 3,3 triệu đồng/sản phẩm là đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật. Nếu có mức trần như vậy với các sản phẩm kim luồn, stent, khớp gối, khớp háng nhân tạo… thì việc đấu thầu tập trung sẽ rất dễ dàng, người bệnh và quỹ cũng không phải chi trả những khoản bất hợp lý" - ông Phạm Lương Sơn cho hay.

Sẽ mở rộng đấu thầu tập trung

Chỉ qua hai đợt đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế (tháng 8-2017 với hơn 20 thuốc điều trị ung thư) và Bảo hiểm xã hội VN (tháng 1-2018 với hơn 20 kháng sinh), quỹ Bảo hiểm y tế và người dân đã tiết kiệm được gần 700 tỉ đồng tiền thuốc. Nếu so sánh hai gói thầu này (tổng giá trị hai gói trên 3.100 tỉ đồng) với khoản tiền trên 40.000 tỉ đồng tiền thuốc sử dụng mỗi năm, cho thấy nếu mở rộng đấu thầu tập trung với các thuốc có lượng sử dụng lớn thì tiền thuốc sẽ giảm nhiều, người bệnh sẽ được lợi.

Theo ông Sơn, cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế đang cùng bàn để có thể đấu thầu tập trung tiếp với 20 thuốc thuộc 9 hoạt chất, trong số này có 16 loại kháng sinh, 2 thuốc điều trị tiểu đường và 2 thuốc điều trị tiêu hóa. "Chúng tôi còn bàn tiếp với Bộ Y tế về danh mục, nhưng không mở rộng quá nhanh vì e ngại phần cung ứng" - ông Sơn cho biết.

Các lợi ích về đấu thầu tập trung khá rõ, nhưng chất lượng thuốc được cung ứng từ các gói thầu tập trung liệu có đảm bảo, khi có thuốc giảm giá tới hơn 50% chỉ sau một động tác là đấu thầu tập trung? Ông Dương Tuấn Đức, giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cho rằng "chất lượng thuốc không thay đổi, vẫn loại thuốc ấy trước đây mua với giá X, nay nhờ đấu thầu tập trung giá thuốc đã giảm mức trung bình là X-21% (với gói thầu Bảo hiểm xã hội VN tổ chức)".

Tuy nhiên, cũng rất nên đánh giá sau khi thuốc thực sự được cung ứng cho bệnh viện, để đảm bảo chất lượng thuốc và chất lượng điều trị là không thay đổi.

Theo phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Phạm Lương Sơn, bảo hiểm vừa hoàn tất đấu thầu tập trung quốc gia lần đầu tiên, với gói thầu gồm 20 thuốc kháng sinh (5 hoạt chất). Kết quả đấu thầu cho thấy giá thuốc đã giảm trên 21% so với giá bảo hiểm y tế hiện đang chi trả.



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn