Chỉ 9,11 % doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề

Thứ tư, 15/08/2018 - 08:57

Tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt 9,11%. Trong khi đó, doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động chiếm 36 %. Các tỉ lệ trên còn thấp và đặt ra câu hỏi lớn trong công tác gắn kết đào tạo với thị trường lao động.

 

Đây là kết quả mới được Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững (Bộ LĐ-TB&XH) công bố về tình hình gắn kết đào tạo với doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), trong số các doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề cho lao động, nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ cao nhất với 56,57%.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn rất thấp với mức trung bình là 9,11%. Trong nhóm này, khối các doanh nghiệp nhà nước có tỉ lệ cao nhất với 23,54%.

“Như vậy, các doanh nghiệp vẫn chọn cách tự thực hiện đào tạo nghề cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, theo như Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ” - ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

Về thực tập tại doanh nghiệp và việc doanh nghiệp cử lao động đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, chỉ có gần 5% số doanh nghiệp thực hiện. Nhóm thực hiện với tỉ lệ cao nhất là nhóm doanh nghiệp nhà nước với gần 14% thực hiện.

Trong khi đó, khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn.

Ông Vũ Xuân Hùng cho biết: “Thực tế cho thấy, chúng ta còn thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp. Điều này có thể vì tính chất công việc của sản xuất, phần khác vì người lao động qua đào tạo thì phải trả lương cao...”.

CHIỀU NAY (15/8), GIAO LƯU TRỰC TUYẾN:

"GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP: HỌC NGHỀ TRƯỚC, ĐẠI HỌC SAU"

Vì sao lương khởi điểm của thợ nghề không thua cử nhân? Doanh nghiệp cần người làm việc hay người có bằng cấp? Tại sao cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân? Kỹ năng gì cần có khi tìm việc? Chọn vào đại học hay học nghề?...

Mục tiêu của chương trình Giao lưu nhằm giúp bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của chọn ngành học, chọn nghề có thêm các thông tin đa chiều và trung thực từ “3 nhà”, gồm: Nhà quản lý, nhà đào tạo và nhà doanh nghiệp.

Trên cơ sở, bạn trẻ sẽ có những quyết định chính xác nhất, phù hợp với năng lực bản thân, sức học để chọn đúng ngành nghề theo học.

Chương trình có sự tham dự và giải đáp của các khách mời:

- Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

- Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam.

Hoàng Mạnh



Tin tức liên quan

  • Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư tự hào vì đi lên từ học nghề
  • Thứ năm, 16/08/2018 - 09:09
  • “Ngay tại Đức và Nhật Bản, nhiều doanh nhân, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi…”


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn