'Chính phủ phải gỡ điểm nghẽn thể chế'

Thứ Tư, ngày 22/5/2019 - 13:10

(PLO)- Đại biểu ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ. Tuynhiên, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn thể chế.

“Trước đây Quốc hội vẫn còn băn khoăn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08% là điểm sáng trong điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, vai trò kinh tế tư nhân được đề cao... Nguyên nhân quan trọng nhất của tăng trưởng là Chính phủ đã cắt bỏ một loạt thủ tục, thể chế, cản trở sự phát triển…”.

Đại biểu Lại Xuân Môn (Cao Bằng) phát biểu như trên tại phiên thảo luận tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

'Chính phủ phải gỡ điểm nghẽn thể chế' - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể góp ý tại buổi họp tổ. Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, để phát triển mạnh trong thời gian tới, vị đại biểu Cao Bằng đề nghị tiếp tục tháo điểm nghẽn về thể chế. Cụ thể, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các quy định kìm hãm sự phát triển. Như luật đất đai, hiện nay cần sửa ngày.

“Bây giờ giữ gì 3,8 triệu ha đất trồng lúa nữa. Tôi đi vào Đồng Tháp, chứng kiến một bên trồng lúa, bên cạnh trồng quýt Lai Vùng. Khu vực trồng lúa, nếu được mùa, được giá lãi 30 triệu đồng/ha, nhưng trồng quýt lãi được 50-60 triệu/ha, nhưng không cho trồng. Nên chúng ta phải sửa luật, trong đó đất nông nghiệp người ta có thể trồng lúa hoặc các loa cây trồng khác, miễn là hiệu quả kinh tế, đời sống người dân nâng lên”, ông Môn nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, khẳng định nền kinh tế năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 không dựa vào khai thác khoáng sản, đầu tư công. Cụ thể, nguồn thu từ dầu chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tăng trưởng GDP, vốn đầu tư công giải ngân không cao như những năm trước. “Rõ ràng tăng trưởng của chúng ta không phù thuộc hai yếu tố lớn trên, chứng tỏ nền kinh tế có sự phát triển ổn định hơn…”, ông Thể nhận định.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng về phát triển hạ tầng còn điểm nghẽn. Điển hình như luật đầu tư công, khi Quốc hội bố trí vốn mới triển khai các công việc tiếp theo. Như vậy, dự án đáp ứng được yêu cầu về vốn nhưng khó giải ngân.

“Ví dụ, sân bay Long Thành, khi Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ triển khai theo từng bước, như thi tuyển kiến trúc, đấu thầu lập dự án… Các công tác này mất gần hai năm. Đến tháng 10, Chính phủ tiếp tục báo cáo việc đầu tư sân bay Long Thành. Khi Quốc hội đồng ý thì Chính phủ phê duyệt dự án này. Tiếp đó, giao cho đơn vị lập dự án đầu tư, thi tuyển nhà đầu tư… Như vậy, mất 3 năm lo thủ tục nên vốn Quốc hội phân bổ chưa được giải ngân. Trình tự là vậy, chúng tôi không làm khác được…”, ông Thể nhấn mạnh và đặt câu hỏi, việc bố trí như vậy có hợp lý không ?

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể đề nghị nên chăng giữa mỗi nhiệm kỳ Quốc hội biểu quyết một gói tín dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư nhiệm kỳ sau. Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ các dự án vừa xong thủ tục và khi được bố trí vốn sẽ giải ngân được ngay.

“Dư luận bảo sao có tiền chưa làm nhưng luật đầu tư công chúng ta như thế. Thử hỏi các bộ ngành khác có làm khác được không…? Nên việc bố trí vốn, trình tự đầu tư công cần xem xét lại để tránh tình trạng bố trí vốn nhưng 3-4 năm không tiêu được tiền”, ông Thể kiến nghị.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết năm 2018 dù đạt được thu vượt ngân sách, nhưng nếu nhìn kết cấu nguồn thu thì cốt chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần phân tích khi chính sách vĩ mô ban hành như vậy nhưng nguồn thu quốc gia chủ yếu doanh nghiệp.

“Ở đây kết dư vốn ngân sách địa phương cực lớn, gần 120 nghìn tỉ, nếu trừ kết dư đi, thực ra vốn đầu tư vào nền kinh tế của ta là bao nhiêu. Trong lúc đó, ai bảo giảm đầu tư công, tăng hiệu quả thu hút đầu tư xã hội. Nhưng nguồn thu hút đã ít chúng ta để kết dư như vậy làm hiệu quả nền kinh tế “ảo”, không thật đâu. Nên các địa phương phải cố gắng…”, ông Kiên nói.


VIẾT LONG



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn