Chính sách nào để sớm ổn định lao động?

09/11/2021 09:33

Chính sách nào đủ hấp dẫn để thu hút người lao động từ các vùng quê trở lại các trung tâm công nghiệp làm việc nhằm đẩy nhanh sản xuất, phục hồi kinh tế?

Chính sách nào để sớm ổn định lao động? - Ảnh 1.

100% công nhân Công ty may mặc xuất khẩu Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) đi làm đầy đủ nhờ có chính sách chăm lo đời sống và bảo vệ người lao động trước dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là trăn trở của nhiều đại biểu trong ngày đầu tiên Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 2 theo hình thức họp tập trung ngày 8-11.

Vấn đề này xem ra rất thiết thực và thời sự khi báo cáo của Chính phủ cho thấy trong quý 2-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. 

Vì thế, người lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê gây khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung cầu lao động trong ngắn hạn khi nền kinh tế đang phục hồi.

Hiện Chính phủ đang làm quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các vùng, các tỉnh. Đây là cơ hội tốt để quy hoạch lại một cách thấu đáo, hài hòa cho việc phân bổ dân số và phát triển bền vững.

Ông Phùng Đức Tùng

Chữa "sang chấn tâm lý" cho người lao động

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhìn nhận ngoài tác động kinh tế, dịch COVID-19 còn khiến người lao động bị sang chấn tinh thần lâu dài. Động lực lớn nhất để họ quay lại là tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ, cũng như môi trường sống an toàn, ít bấp bênh hơn. 

Ông Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương ngoài kết nối cung cầu, cần kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. 

Cùng với đó, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp hay tuyên truyền, hướng dẫn để họ bảo vệ sức khỏe, tâm lý yên tâm quay lại làm việc.

Nhấn mạnh vai trò của hệ thống an sinh xã hội, đại biểu kiến nghị có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. 

"Cần tăng nguồn vốn, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động" - ông Tâm chia sẻ.

Ông Phùng Đức Tùng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong - nhận định sẽ khó thu hút người lao động đã di cư về các địa phương quay lại thành phố. Đợt khủng hoảng vừa qua khiến họ trải qua rủi ro rất lớn khi có khủng hoảng và cảm nhận cuộc sống thành phố không có gì tốt hơn so với ở quê. Họ vất vả với việc an

sinh như khả năng sở hữu nhà ở rất khó. Vừa qua, các gói hỗ trợ triển khai chậm, đặc biệt đối với nhóm lao động phi chính thức, thậm chí có người không nhận được hỗ trợ hoặc hỗ trợ quá nhỏ bé so với nhu cầu thiết yếu để họ có thể đảm bảo đời sống.

Ly nông nhưng không ly hương bằng phát triển đồng đều

Một số đại biểu nhìn nhận việc dòng người rời thành phố về các vùng quê là cơ hội để cơ cấu lại nguồn lao động. Cụ thể, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng việc dòng người lao động hồi hương có thể sinh ra cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Theo ông Lộc, nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này. 

Mặt khác, các siêu đô thị lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển với các địa phương khác đang nghèo hơn, chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những biến cố.

Ông Lộc kiến nghị xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ. 

"Chúng ta có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả để con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình" - đại biểu Lộc nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhìn nhận việc người lao động di chuyển về quê đặt ra vấn đề lớn về nhu cầu tìm kiếm việc làm và việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương. 

Đại biểu này kiến nghị cần quy hoạch, tạo cơ hội phát triển vùng miền, nhất là những vùng khó khăn, xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực trong và ngoài nước. Hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân tại địa phương. 

Cần có giải pháp trong đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để người lao động có được việc làm, phát triển cuộc sống ngay trên quê hương mình. Mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế khởi nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo.

Chính sách nào để sớm ổn định lao động? - Ảnh 3.

Nhiều nhà máy ở TP.HCM đã có tỉ lệ người lao động trở lại làm việc cao, hoạt động sản xuất đã khôi phục để đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dịch chuyển ngành sản xuất đơn giản về vùng quê

Đồng tình với việc phát triển các địa phương hơn nữa để giảm bớt chuyện ly hương nhưng theo ông Phùng Đức Tùng, việc chuyển dịch sản xuất từ các thành phố lớn về địa phương không thể làm ngay trong ngắn hạn. 

Các thành phố lớn có thể đưa chính sách định hình dần cho các doanh nghiệp sản xuất thâm dụng lao động đơn giản như dệt may, da giày, xây dựng… có thể dịch chuyển ra các tỉnh lân cận để tập trung phát triển những ngành nghề đòi hỏi lao động tay nghề cao, công nghệ cao, kỹ thuật cao…

Vì thế, khi Chính phủ đưa ra các định hướng và hỗ trợ hạ tầng thì thị trường lao động tự thay đổi. Ví dụ, nếu có hạ tầng kết nối tốt các khu vực có nguồn lao động lớn như ĐBSCL, doanh nghiệp sẽ tự tìm xuống các khu vực đó để phát triển sản xuất. 

Cần chiến lược quốc gia quy hoạch tổng thể cơ cấu lại sản xuất theo vùng, địa phương. Về giải pháp trong ngắn hạn, ông Tùng cho rằng doanh nghiệp có thể hỗ trợ, đưa ra các mức lương hấp dẫn để người lao động quay lại. 

Chính phủ cần có những gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, ví dụ có thể giảm hoặc miễn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp, công đoàn… để doanh nghiệp có tiền tăng lương đủ hấp dẫn cho người lao động quay lại. 

Cùng với đó có thể giảm thuế, miễn thuế cho chủ nhà trọ công nhân, lao động để giảm chi phí sinh hoạt cho người lao động. Về dài hạn phải luật hóa được tất cả lao động phi chính thức thành lao động chính thức để họ đóng bảo hiểm, được hỗ trợ an sinh khi thất nghiệp. Việc này cũng như đảm bảo cho môi trường lao động lành mạnh hơn.

Bà Nguyễn Hồng Hà - đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho rằng để thuyết phục người lao động quay trở lại nhà máy, các doanh nghiệp cần cải thiện các chính sách an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, phòng ngừa COVID-19. 

Chỉ khi người lao động cảm thấy được an toàn và không phải đối diện với rủi ro, cả về y tế và tác động về kinh tế, họ mới quay trở lại. Doanh nghiệp cũng phải có chính sách đãi ngộ như lương, thưởng một cách thỏa đáng và hấp dẫn, hỗ trợ chăm sóc cho sức khỏe, đời sống của người lao động.

Kết nối thông tin cung - cầu

Theo bà Nguyễn Hồng Hà, để thu hút người lao động đã về quê an tâm quay trở lại làm việc ở các thành phố lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay giúp sức của doanh nghiệp và chính quyền cả nơi đi và nơi đến. Việc kết nối thông tin về cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp, người lao động và các địa phương là quan trọng.

Cần phải thông tin rõ ràng cho người lao động về cơ hội việc làm, các chính sách đãi ngộ và thủ tục cũng như quy trình, hỗ trợ để giúp người lao động di chuyển từ quê nhà đến địa phương mà họ dự kiến sẽ làm việc và sẵn sàng để bắt đầu công việc.

"Chúng ta nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kết nối này. Chính quyền cần bố trí ưu tiên cho những người lao động này được tiêm vắc xin, tốt nhất là trước khi họ rời quê" - bà Hà nhấn mạnh.

Những vấn đề cần trả lời...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Bộ GD-ĐT có lúng túng?

Theo tôi, có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng khi đại dịch COVID-19 bùng phát 2 năm nay nhưng Bộ GD-ĐT dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.

Đến ngày 4-8, khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 vẫn như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai kế hoạch được linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Mãi gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.

Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn.

Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông vừa thực hiện cũng có khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng Bộ GD-ĐT chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu của nghị quyết 88 và Luật giáo dục về sách giáo khoa với tinh thần xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng trên báo chí phàn nàn về thông tư 25 của Bộ GD-ĐT trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách, không quan tâm đến ý kiến của cơ sở. Có không ít địa phương chỉ chọn một quyển sách cho một môn học. Có địa phương chỉ chọn sách do địa phương mình tổ chức biên soạn, trừ những môn học không có sách được bộ phê duyệt.

Làm theo cách này thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp trực thuộc bộ, nên cần sớm sửa thông tư 25, thanh tra công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa và điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai):

Bình Dương, Đồng Nai cũng cần tăng điều tiết ngân sách

Có thể nói TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vừa trải qua "cơn bạo bệnh", căng mình trong "cơn sốt cao" kéo dài nhiều tháng và hiện nay, mọi nguồn lực để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế như một cơ thể đã lao lực, cần được bồi bổ, dưỡng thương, cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực để vực dậy và dần hồi phục.

Vì vậy tôi đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho cả Đồng Nai, Bình Dương, ngoài việc đã có ý kiến tăng cho TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:

Hết quý 1-2022, thị trường lao động phục hồi bình thường

Thời gian qua, gói hỗ trợ theo nghị quyết 42, có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ theo nghị quyết 68, qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25.900 tỉ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng. Gói hỗ trợ cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động (đạt 85%) với 20.644 tỉ đồng.

Về thị trường lao động, theo báo cáo của các tỉnh phía Nam và rà soát, tình hình phục hồi sản xuất tại các KCN-KCX thì số lao động phục hồi 70 - 75%, cá biệt có địa phương tới 90%. Bộ LĐ-TB&XH dự báo đến hết quý 1 và đầu quý 2-2022, nếu không có diễn biến phức tạp, thị trường lao động có khả năng phục hồi bình thường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Cơ bản đủ vắc xin để tiêm 2 mũi trong năm nay

Đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều vắc xin và đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Tính đến ngày 7-11 đã tiêm được hơn 90 triệu liều, số lượng vắc xin hiện tại đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau. Hiện Việt Nam là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.

Đối với việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Với những bất cập của y tế cơ sở, thời gian tới sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

T.L.-N.A.

TIẾN LONG - NGỌC AN



Tin tức liên quan

  • TP.HCM: 96% lao động trở lại làm việc sau Tết
  • 10/02/2022 20:19
  • Ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - cho biết tính đến sáng 10-2, tỉ lệ lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp quay lại làm việc ở TP đạt 96%, tương đương 1,9 triệu người.

  • Vắt sức làm thêm hai, ba việc
  • 27/12/2021 09:34
  • Mong cho con hộp mứt và bộ quần áo mới ngày Tết, vợ chồng anh Ngô Văn Phương (quê An Giang, trọ ở quận 7, TP.HCM) đang đầu tắt mặt tối với nhiều đầu việc sau mấy tháng thất nghiệp vì dịch bệnh.

  • Hết thời giúp việc theo giờ
  • 30/11/2021 09:19
  • Khó khăn nghiêm trọng với người giúp việc nhà theo giờ bắt đầu từ cuối tháng 5-2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát căng thẳng ở TP.HCM.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn