Choáng váng: Túi Hermes, LV, Dior giá chỉ 30.000 đồng/chiếc

Thứ Năm, ngày 14/11/2019 - 08:08

(PLO)- Lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Hermes, LV, Dior, Chanel, được bán với giá chỉ từ 30.000-40.000 đồng/chiếc.

Tối 13-11, Đội quản lý thị trường số 8 (QLTT) thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu túi xách nổi tiếng ở huyện Phú Xuyên.

Choáng váng:Túi Hermes, LV, Dior giá chỉ 30.000 đồng/chiếc - ảnh 1
Lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Hermes, LV, Dior, Chanel

Theo đó, tại cơ sở kinh doanh Hà Thư ở địa bàn tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, lực lượng chức năng thu giữ hơn 1.000 sản phẩm bao gồm các loại túi xách gắn nhãn hiệu Hermes, LV, Dior, Chanel.

Lý do thu giữ vì chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ về nguồn gốc số hàng hóa trên, tất cả đều có dấu hiệu giả mạo nhãn mác.

Được biết, tại cửa hàng này, mỗi chiếc túi được bán sỉ với giá từ 30.000-40.000 đồng/chiếc, tuỳ loại.

Chủ cơ sở kinh doanh cho biết số hàng này được mua trên mạng xã hội và giao dịch qua điện thoại. Sau khi nhập hàng về, chủ tiệm sẽ dùng hình thức livestream trên mạng xã hội Facebook để bán hàng online.

Choáng váng:Túi Hermes, LV, Dior giá chỉ 30.000 đồng/chiếc - ảnh 2
Những sản phẩm này được bán với giá chỉ từ 30.000-40.000 đồng/chiếc

Trước đó, lực lượng QLTT liên tiếp kiểm tra và thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm thời trang tại nhiều cơ sở kinh doanh có nghi vẫn cắt bỏ nhãn mác Trung Quốc.

Điển hình, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra năm địa điểm kinh doanh của thương hiệu thời trang Seven.Am.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ năm cửa hàng kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.Am trên địa bàn Hà Nội chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, vì vậy Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hơn 9.000 sản phẩm đề điều tra làm rõ.

Hay như trước đó, Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội cũng kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn IFU hoặc NEM trên các sản phẩm quần áo.

Cụ thể, hàng hóa gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, sáu bao túi xách và bốn bao quần áo đã cắt nhãn gốc.

T.PHAN



Tin tức liên quan

  • Sẽ nêu tên các website bán hàng vi phạm
  • Thứ tư, 8/8/2018, 17:10 (GMT+7)
  • Các sàn thương mại điện tử phải có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu...

  • Hàng giả tràn lan: Doanh nghiệp và Quản lý thị trường đổ lỗi cho nhau
  • Thứ sáu, 30/03/2018 - 14:20
  • Tại hội thảo chống hàng giả, các doanh nghiệp cho là sự chậm trễ của các lực lượng chức năng cùng hệ thống thủ tục rườm rà đã làm tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán hàng nhập lậu có mối liên hệ với gia đình cán bộ các cơ quan chức năng.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn