Chủ tịch tỉnh ủy quyền cho giám đốc sở ra tòa?

Thứ Tư, ngày 26/9/2018 - 06:30

(PL)- UBND TP.HCM đã có những đề xuất cụ thể gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Số trước Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh nhiều nguyên nhân khiến người bị kiện trong các vụ án hành chính không thể ra tòa, trong khi khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 quy định khi bị kiện thì nơi bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó. Trước thực tế này, UBND TP.HCM đã đề xuất nhiều giải pháp trong bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Tư pháp vào tháng 9-2017.

Các đề xuất của UBND TP.HCM

Tại văn bản này, UBND TP.HCM kiến nghị TAND Tối cao có hướng dẫn thống nhất về thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật TTHC năm 2015. Cạnh đó, cần hướng dẫn các biểu mẫu áp dụng cho các đương sự trong TTHC để nộp cho tòa án. Trường hợp không quy định biểu mẫu áp dụng cho đương sự thì đề nghị có hướng dẫn quán triệt việc cá nhân không tự ý quy định hoặc yêu cầu đương sự thực hiện nhiều lần theo cách hiểu của cá nhân, không chính thống.

Ví dụ, có khi tòa yêu cầu người bị kiện được làm thủ tục đề nghị xét xử vắng mặt phải là văn bản có tiêu đề là “Đơn xin vắng mặt”, chứ không chấp nhận hình thức công văn hành chính của cơ quan.

TP kiến nghị TAND Tối cao và VKSND Tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất ở tòa án và VKS các cấp về việc không yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp cán bộ, công chức thực hiện thủ tục làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Hai cơ quan này cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép cán bộ, công chức công tác ngành thanh tra (bao gồm thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành), công an được tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.

UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và TAND Tối cao hai nội dung.

Thứ nhất là xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật TTHC năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, công an không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Bãi bỏ quy định cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện tại các điều 60, 61 Luật TTHC năm 2015.

Thứ hai là kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật TTHC năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định khoản 3 Điều 60 về việc người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp. Lý do là bảo đảm người bị kiện được bình đẳng với người khởi kiện. Theo đó, luật nên cho phép người bị kiện được quyền ủy quyền cho cán bộ, công chức (kể cả cán bộ, công chức trong cơ quan thanh tra, cơ quan công an) trực tiếp tham mưu ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện để tham gia TTHC.

Chủ tịch tỉnh ủy quyền cho giám đốc sở ra tòa? - ảnh 1
Một phiên xử vụ án hành chính tại TAND TP Tây Ninh. Ảnh minh họa: SONG NGUYỄN

Chính phủ đã có phản hồi

Trước kiến nghị khá cụ thể này, ngày 6-10-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, chuẩn bị văn bản thể hiện ý kiến của Chính phủ trên cơ sở những kiến nghị của UBND TP.HCM tại công văn trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ), thay mặt Chính phủ ký văn bản nói trên gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao để xem xét, giải quyết.

Ngày 7-11-2017, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội cũng có Công văn số 1215 có hai ý kiến nhất trí với đề xuất, kiến nghị của UBND TP.HCM. Theo đó, nhằm tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để tổ chức, cá nhân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì Ủy ban Dân tộc cho biết:

Một là nhất trí với các đề xuất của UBND TP.HCM, cần có hướng dẫn thống nhất về biểu mẫu áp dụng cho các đương sự, về thời hạn xét xử và các vấn đề khác có liên quan để đảm bảo TTHC được quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Hai là đề nghị Bộ Tư pháp cần có sơ kết đánh giá việc triển khai thi hành Luật TTHC năm 2015 trong thực tiễn. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đề xuất những vấn đề cần kiến nghị với những cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn việc thi hành luật.

Cần mở rộng phạm vi ủy quyền

Theo luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC là tiến bộ, nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong các cơ quan hành chính. Từ đó hạn chế việc ban hành các quyết định hành chính hay hành vi hành chính trái pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định này lại không khả thi.

Người đứng đầu cơ quan hành chính hay cấp phó thường không tham gia tố tụng tại tòa án vì nhiều lý do, có thể do không đủ thời gian để tham gia các giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án. Ngoài ra, họ còn phải gánh nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cơ quan hành chính, có thể do không nắm rõ hết tất cả lĩnh vực và pháp luật liên quan đến vụ việc bị kiện. Vì thế họ ra tòa có khi lại rất khó giải trình trực tiếp các vấn đề thuộc chuyên môn của vụ án.

Do vậy, quy định này nên được sửa đổi theo hướng mở rộng thêm đối tượng được ủy quyền của người bị kiện. Theo đó, người đứng đầu cơ quan được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp trưởng phòng chuyên môn đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện. Còn với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND tỉnh thì được ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp giám đốc sở, ngành có liên quan đến vụ kiện được đại diện tham gia tố tụng. Khi mở rộng đối tượng được nhận ủy quyền tại khoản 3 và 4 Điều 32 Luật TTHC thì đối tượng tham gia tố tụng tại khoản 3 Điều 60 sẽ khả thi hơn và khắc phục được tình trạng vắng mặt lãnh đạo cơ quan hành chính hiện nay.

Bên cạnh cần sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Thi đua khen thưởng về trách nhiệm của cán bộ, công chức khi không tham gia tố tụng tại tòa án cũng là hành vi không hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc khi bị tòa án tuyên hủy quyết định hành chính hay buộc thực hiện hành vi hành chính do quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trái pháp luật thì sẽ tính vào điểm thi đua và xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức lãnh đạo hằng năm.

Bổ sung, luật sư Chu Văn Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng khoản 3 Điều 60 BLTTHC năm 2015 có ưu điểm là tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Nhưng cần sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị kiện. Ngoài ra, cần có thêm quy định là người bị kiện và người được ủy quyền không được vắng mặt, nếu họ cố tình vắng mặt và gây khó khăn thì phải có biện pháp chế tài cụ thể.

L.TRINH ghi

LỆ TRINH - KIM PHỤNG

Nguồn Pháp Luật


Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn