Chứng khoán hôm nay 2-12: Tăng bùng nổ, khối ngoại miệt mài mua ròng

02/12/2022 15:45

Thị trường chứng khoán tăng bùng nổ trong phiên giao dịch hôm nay 2-12. Riêng chỉ số VN-Index tăng gần 44 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 20 phiên liền với tổng giá trị lên đến 19.950 tỉ đồng.

Chứng khoán hôm nay 2-12: Tăng bùng nổ, khối ngoại miệt mài mua ròng - Ảnh 1.

Chứng khoán tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" lãi đậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đối lập với phiên giảm điểm hôm qua, sang hôm nay 2-12 thị trường chứng khoán vừa chứng kiến lượng tiền ào ạt đổ vào mua ròng, cầu áp đảo cung, hàng trăm cổ phiếu tăng giá mạnh.

Trong đó hàng loạt ngành ngân hàng trở thành "công thần" đẩy thị trường chung đi lên như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)... Niềm vui tăng giá còn hiện diện ở các cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như GAS (PetroVietnam Gas), HPG (Hòa Phát), MSN (Masan)...

Diễn biến của nhóm bất động sản cũng gây chú ý với nhiều mã tăng tốt như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), KDH (Nhà Khang Điền)...

Là hai gương mặt được giới đầu tư để mắt, hôm nay cả mã NVL (Novaland) và PDR (Phát Đạt) cũng đều tăng giá. Trong ngày, Phát Đạt cũng vừa công bố tiếp tục chi 188,7 tỉ đồng (theo mệnh giá) để mua lại trước hạn 40% lô trái phiếu đã phát hành vào đầu tháng 12 năm trước - có kỳ hạn hai năm. Như vậy, tính từ cuối tháng 10 đến nay, doanh nghiệp này có gần 339 tỉ đồng tất toán trước hạn trái phiếu.

Ngược dòng tăng trưởng, nhiều cổ phiếu vẫn bị nhà đầu tư thoát hàng mạnh như BCM (Becamex), LGC (Đầu tư cầu đường CII), VPI (Đầu tư Văn Phú), PHX (Đầu tư Hải Phát), BMP (Nhựa Bình Minh), TLG (Thiên Long)...

Nhìn vào diễn biến giao dịch, có thể thấy chỉ số của tất cả các nhóm ngành đều tăng tốt. Trong đó, tăng yếu nhất rơi vào nhóm chăm sóc sức khỏe, tăng mạnh nhất thuộc về nhóm nguyên vật liệu. Những nhóm tăng từ 3-5% trở lên gồm: hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, công nghệ thông tin, năng lượng, hàng tiêu dùng, tài chính và bất động sản.

Khép phiên giao dịch, nhờ dòng tiền đổ vào mua chủ động, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức tăng vọt 43,73 điểm (+4,22%) hồi phục về mốc 1.080,01 điểm.

Cả sàn HNX và rổ UpCOM cũng tăng lần lượt 4,96 điểm (+2,35%) lên 215,96 điểm và 0,8 điểm (+1,12%) lên 72,21 điểm.

Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trong phiên đạt hơn 20.380 tỉ đồng, mặc dù giảm 16% so với phiên trước, song đây vẫn là mức cao so với mức bình quân của nhiều tháng nay.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường khi tiếp tục mua ròng hơn 2.200 tỉ đồng. Như vậy, khối ngoại vừa chính thức ghi nhận 20 phiên mua ròng liên tiếp, với tổng giá trị xấp xỉ 19.950 tỉ đồng.

Một thông tin được giới đầu tư chứng khoán chú ý là trong bài phát biểu ở Viện Nghiên cứu Brookings (Washington), ông Jerome Powell - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) - vừa xác nhận ngân hàng trung ương nước này chuẩn bị giảm tốc độ tăng lãi suất. Tại thị trường Việt Nam, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu phát thông báo giảm lãi cho vay.

Phía Chứng khoán Yuanta nhận định, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến của thị trường và cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng. Do đó, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu và mua mới.

Theo đội ngũ phân tích Chứng khoán MB (MBS), sau ba tuần tăng liên tiếp kể từ mức 873 điểm, nhiều cổ phiếu mang lại lợi nhuận 50-150%, nên trong trường hợp xuất hiện nhịp chốt lời là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thời điểm này nhà đầu tư cần chú ý là dòng tiền đang tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu nào tiếp theo, lưu ý cả nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

BÔNG MAI



Tin tức liên quan

  • TPHCM: Tạp hoá truyền thống “sống” lay lắt
  • Thứ hai, 05/03/2018 - 06:00
  • Do sự phát triển bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng tạp hoá truyền thống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết đều đang “sống” lay lắt vì ế khách, kể cả ở các vùng nông thôn.

  • Pháp “rót” hơn 2 tỷ Euro vào Việt Nam trong 10 năm
  • Thứ năm, 25/01/2018 - 10:00
  • Từ nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức Pháp (ODA), số vốn giải ngân cho một số dự án tại Việt Nam đạt hơn 2 tỷ euro trong 10 năm trở lại đây. Điều này đã cho thấy vị trí quan trọng của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Pháp.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn