Chứng khoán lao xuống đáy thấp nhất 4 tháng, cổ phiếu ngành cao su, thủy sản vẫn tăng

18/04/2022 12:47

Bất chấp áp lực cắt lỗ diễn ra trên diện rộng ngay khi mở phiên giao dịch đầu tuần 18-4, VN-Index giảm xuống mốc thấp nhất trong hơn 4 tháng nay, nhưng hàng loạt cổ phiếu ngành cao su, thủy sản, công nghệ... vẫn được đẩy giá.

Chứng khoán lao xuống đáy thấp nhất 4 tháng, cổ phiếu ngành cao su, thủy sản vẫn tăng - Ảnh 1.

Chứng khoán đỏ lửa ngay khi khởi động phiên giao dịch 18-4, nhưng cổ phiếu ngành thủy sản, công nghệ thông tin, cao su... tăng mạnh, tăng trần - Ảnh: BÔNG MAI

Vừa mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán ngay lập tức phải đối mặt với áp lực nhà đầu tư bán cổ phiếu, cắt lỗ trên diện rộng. Chỉ tính riêng sàn HoSE và HNX đã có tới 66 mã bị giảm sàn.

Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư đặt lệnh bán, kéo thị trường đi xuống, trong đó phải kể đến mã VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), NVL (Novaland)...

Giữa lúc đó, tình hình ở các cổ phiếu ngân hàng cũng không mấy khả quan, rơi vào cảnh rớt giá, như: VCB (Vietcombank), CTG (VietinBank), VPB (VPBank), MBB (MBBank), BID (BIDV), SSI (Chứng khoán SSI), EIB (Eximbank)...

Bị xếp vào nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ, hiện tại các mã thuộc "họ FLC" tiếp tục bị rớt xuống giá sàn. 

Trong đó, nếu tính riêng mã FLC (Tập đoàn FLC) thì giá trị cổ phiếu đã bị "bốc hơi" gần 66% kể từ phiên lập đỉnh hồi đầu năm (22.550 đồng/cổ phiếu, phiên 7-1), rớt xuống còn 7.680 đồng/cổ phiếu. Từ mức giá 16.000 đồng (phiên 7-1), đến nay mã ROS (Xây dựng FLC Faros) cũng đã bị rớt gần 71% giá trị, đang neo ở giá sàn 4.660 đồng/cổ phiếu.

Các mã còn lại của "họ FLC" như HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), ART (Chứng khoán BOS) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) cũng chịu chung cảnh giảm sàn.

Dù vậy, thị trường vẫn có điểm sáng khi dòng tiền được nhà đầu tư chuyển hướng, dồn dập đổ vào mua cổ phiếu GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), GAS (PetroVietnam Gas), SAB (Sabeco), VNM (Vinamilk), FPT (FPT), VJC (Vietjet Air), PNJ (PNJ), BCM (Becamex), DGW (Thế giới số)...

Song song đó, cổ phiếu ngành thủy sản cũng trở thành tâm điểm, được đẩy giá lên cao bất chấp thị trường lao dốc, điển hình là mã AAM (Thủy sản MeKong), ACL (Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang), ANV (Nam Việt), IDI (Đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia)...

Chứng khoán lao xuống đáy thấp nhất 4 tháng, cổ phiếu ngành cao su, thủy sản vẫn tăng - Ảnh 2.

Mặc dù áp lực bán mạnh, nhưng dòng tiền có sự phân hóa, giúp nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá

Xét theo lĩnh vực kinh doanh, dòng tiền không bị nhà đầu tư rút ra khỏi toàn thị trường, mà có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó mua vào cổ phiếu thuộc nhóm sản phẩm cao su, chế biến thủy sản, công nghệ - thông tin, sản xuất phụ trợ, thực phẩm - đồ uống...

Trái ngược, các nhóm chứng khoán, tài chính khác, dịch vụ lưu trú - ăn uống - giải trí, thiết bị điện, xây dựng, nông - lâm - ngư, sản xuất thiết bị máy móc, bất động sản, ngân hàng... lại bị rút tiền ra.

Về quan điểm trong ngắn hạn, bộ phận phân tích của Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.420 - 1.430 điểm trong phiên đầu tuần. 

Song do dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn bi quan thái quá và dần hình thành vùng đáy ngắn hạn, cho nên khả năng xuyên thủng vùng hỗ trợ trên tương đối thấp.

Ngoài ra, rủi ro ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bắt đáy ở nhóm cổ phiếu này.

"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại và chỉ nên giảm margin ở các nhịp hồi phục. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư ngắn hạn chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò tỉ trọng thấp đối với các cổ phiếu đã đạt tín hiệu mua ngắn hạn", phía Yuanta cho hay.

Dù vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.

"Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do thị trường vẫn đang tiềm ẩn những biến động bất thường, ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao", Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.

Tạm khép lại phiên sáng, VN-Index giảm 22,94 điểm (-1,57%) lùi về 1.435,62 điểm. Đây cũng là mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng nay (kể từ phiên 6-12-2021, với 1.413,58 điểm). Đồng thời chỉ số của sàn HoSE cũng tạm thời mất gần 93 điểm so với đỉnh lịch sử (1.528,57 điểm, lập vào 6-1-2022).

Trong lúc đó, tình hình ở sàn HNX và UPCoM cũng không mấy khả quan, khi bị giảm 10,99 điểm (-2,64%) xuống 405,72 điểm và 1,94 điểm (-1,73%) xuống 110,42 điểm.

Một điểm sáng là khối ngoại mua ròng hơn 52 tỉ đồng.

BÔNG MAI



Tin tức liên quan

  • Dự báo chứng khoán tuần sau
  • 17/07/2022 15:03
  • Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, triển vọng tăng trưởng cao nhưng lại đang bị giảm về định giá thấp. Thị trường chứng khoán chưa xác nhận xu hướng tăng nhưng khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn mua ròng.

  • Một phiên chấn động, nghìn tỷ đồng “bay” khỏi túi đại gia
  • Thứ năm, 18/01/2018 - 11:00
  • Phiên điều chỉnh mạnh ngày 17/1 khi VN-Index đánh mất gần 30 điểm đã khiến vốn hóa sàn HoSE bị “thổi bay” 75.886 tỷ đồng. “Túi tiền” của những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán cũng “thâm thủng” tới hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn