Chuyên gia nói gì về việc ‘hồ Bà Đồ không có tác dụng thoát nước'?

17/03/2022 14:48

Trong văn bản gửi Văn phòng UBND TP Hà Nội, UBND quận Long Biên cho rằng ‘hồ Bà Đồ’ (tức hồ câu Xuân Quế và hồ câu Sơn Thủy) không có tác dụng thoát nước. Chuyên gia nói gì?

Chuyên gia nói gì về việc ‘hồ Bà Đồ không có tác dụng thoát nước? - Ảnh 1.

Một góc hồ Bà Đồ - Ảnh: Q.THẾ

Văn bản do chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà ký ngày 3-3 khẳng định khu đất hồ câu Xuân Quế và Xuân Thủy do chủ thuê thầu tự cải tạo, nằm trong ranh giới thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực hiện các ô quy hoạch.

"Cụ thể các ô đã quy hoạch gồm: A4/N04, A8/N02, A4/HH2, A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch, hoàn toàn không có tác dụng thoát nước cũng như sinh thái cho khu vực dân cư lân cận xung quanh do không kết nối với hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn... ", nội dung văn bản số 294 nêu.

Trong khi đó người dân sinh sống ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) thì cho rằng hồ Bà Đồ là hồ tự nhiên, có diện tích trải dài qua nhiều khu dân cư. Dù quá trình đô thị hóa khiến hồ Bà Đồ bị thu hẹp nhưng vẫn làm nhiệm vụ thoát nước, tạo cảnh quan sinh thái.

Người dân sống cạnh hồ Bà Đồ cho biết hơn 30 năm trước, xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy) đã giao lại cho người dân thuê, cải tạo, thả cá, phát triển theo hướng hồ câu dịch vụ. Sau khi cho người dân thuê lại phát triển kinh tế thì hồ Bà Đồ được đặt tên hồ câu Xuân Quế và Xuân Thủy.

Ngày 16-3, người dân phường Ngọc Thụy tiếp tục làm đơn gửi đến Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí cho biết "hồ tự nhiên Bà Đồ có từ xa xưa, làm nhiệm vụ chống ngập úng".

"Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm cung cấp văn bản, quyết định, bản đồ quy hoạch hồ Bà Đồ có nằm trong ranh giới dự án thu hồi đất, phân lô bán nền hay không?... ", nội dung đơn phản ánh.

Chuyên gia nói gì về việc ‘hồ Bà Đồ không có tác dụng thoát nước? - Ảnh 2.

Hồ Bà Đồ nhìn từ trên cao - Ảnh: A.TUẤN

"Hồ tự nhiên không chống ngập, điều hòa nguồn nước thì để... làm gì?"

Ngày 17-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết, dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên.

"Khi đã hình thành tự nhiên thì có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan, chúng ta không được lấp tiếp nữa. Không nên vì lợi ích trước mắt mà phải hứng chịu những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Trước đây ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đã từng có nhiều tranh cãi về câu chuyện lấp hồ tự nhiên. Tại các hội thảo khoa học, tôi được biết TP Hà Nội không có chủ trương lấy thêm diện tích đất mặt nước tự nhiên", ông Võ nói.

Ông Võ cho biết thêm: "Hồ tự nhiên có rất nhiều chức năng, trong đó có thoát nước, chống ngập úng, tạo cảnh quan đô thị. Những năm gần đây khi xây dựng các dự án bất động sản lớn hay đại đô thị chủ đầu tư còn phải múc thêm hồ để tạo cảnh quan, điều hòa nguồn nước khu đô thị, trong khi hồ tự nhiên lại đang bị chúng ta lấp bỏ "không thương tiếc" là câu chuyện rất đáng buồn…".

Đồng quan điểm, phó giáo sư Đào Trọng Tứ, trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), cho biết: "Hồ tự nhiên còn lại đến bây giờ rất quý bởi diện tích mặt nước ngày một thu hẹp do lấn chiếm, đô thị hóa từ hàng chục năm trước.

Không nên lấy lý do này lý do khác để lý giải làm sai lệch đi chức năng của hồ tự nhiên. Hồ tự nhiên không chống ngập, điều hòa nguồn nước thì để làm gì? Nhân dân sống cạnh là người cảm nhận rõ nhất chức năng hồ đã điều hòa nguồn nước, chống ngập ra sao".

"Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường cảnh quan, chứ không phải là báo động nữa. Bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất luôn, sẽ không bao giờ có thể khôi phục được…", ông Tứ cho biết.

Chuyên gia nói gì về việc ‘hồ Bà Đồ không có tác dụng thoát nước? - Ảnh 3.

Khoảng hơn 30 năm trước hồ Bà Đồ được xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy) giao lại cho người dân thuê, cải tạo, thả cá, phát triển theo hướng hồ câu dịch vụ - Ảnh: Q.THẾ

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho hay: "Tôi được biết đến nay Hà Nội đã có nhiều lần quy hoạch về không gian hồ nước, gần đây nhất là năm 2016. Qua các quy hoạch đều xác định cần giữ lại hồ tự nhiên, nhiều hồ còn tiếp tục được khơi thông tạo độ sâu mới để đảm bảo điều tiết nước mưa, chống ngập úng".

Như đã thông tin, sau khi nhận được đơn của người dân sinh sống quanh hồ Bà Đồ, ngày 11-3, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị thông báo kết quả xử lý vụ người dân phản ảnh "lấp hồ Bà Đồ, bán đất phân lô".

QUANG THẾ



Tin tức liên quan

  • Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập đến yên xe máy trong đêm
  • Thứ bảy, 02/06/2018 - 07:19
  • Sau cơn mưa lớn rạng sáng 2/6, nhiều tuyến đường ở trung tâm Sài Gòn đã bị ngập lênh láng, trong đó đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị ngập đến yên xe máy, mặc dù UBND TPHCM đã thuê máy bơm chống ngập cho tuyến đường này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn