Có nên đưa người nghèo ra thử nghiệm nhà chống lũ?

11/12/2020 18:16

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đặt câu hỏi trong hội thảo khoa học "Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ".

Có nên đưa người nghèo ra thử nghiệm nhà chống lũ? - Ảnh 1.

Các tỉnh miền Trung hiện có gần 160.000 ngôi nhà không an toàn trước lũ - Ảnh: NAM TRẦN

Theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong hàng chục mô hình nhà ở an toàn cho người dân ở vùng bão, lũ hiện nay, ở góc độ quản lý Nhà nước, cần phải xây dựng được chính sách mới, thay thế các chính sách đã cũ, không còn phù hợp. 

Vấn đề đặt ra cho riêng nhà chống lũ phải đảm bảo xây lại tốt hơn, an toàn hơn nhưng phải rẻ hơn để phù hợp với đa số người dân.

Ông Hiệp đặt câu hỏi: "Muốn làm tốt hơn thì cần cái gì trong bàn tay của Nhà nước? Quy trình thế nào? Có phải thử không? Ai làm thử? Đặc biệt nhà cửa chống lũ cho người nghèo thì có lấy người nghèo ra thử nghiệm không? Chắc chắn nhà nước phải làm nhưng tiền đâu làm thử nghiệm?".

Ông Hiệp nhấn mạnh, trong Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức đỉnh lũ được hỗ trợ làm nhà là 3,6m nhưng thực tế đỉnh lũ ở Miền Trung vừa qua vượt xa 3,6m. Có nơi lên đến 8m. Như vậy loại nhà nổi sẽ hợp lý hơn nhà kiên cố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho nhà nổi là an toàn trước bão và sự phù hợp, chất lượng cuộc sống của người dân.

"Nhà nổi cũng phải là nơi để có chỗ ở chuẩn chứ không phải ghép mấy cái thùng phuy vào. Tạm bợ quá! Tạm đến mức người dân chỉ dùng để làm kho" - ông Hiệp nói.

Có nên đưa người nghèo ra thử nghiệm nhà chống lũ? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu mô hình nhà chống lũ mới - Ảnh: VŨ TUẤN

Vấn đề của nhà nổi chống bão, lũ còn là vấn đề an toàn. Nếu làm nhà to, diện tích trên 40m2 thì không an toàn, nhưng nếu làm nhỏ 5-7 năm mới phải dùng đến cũng lãng phí.

Về góc độ quản lý nhà nước, ông Hiệp lưu ý Cục Phòng chống thiên tai xây dựng chính sách để làm phổ rộng. Không chỉ làm ở các tỉnh miền Trung mà có thể mở rộng ra các tỉnh khác, có sự chỉ đạo tập trung, tránh mạnh ai lấy làm, tiến tới xây dựng quy chuẩn để tránh lãng phí.

Ông Hiệp cho rằng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu và các nhà khoa học sản xuất nhà chống lũ và phải có sự kiểm chứng, không để tự phát. Nếu có mẫu mới bắt buộc phải làm thử nghiệm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ở miền Trung có hơn 230.000 ngôi nhà không an toàn trước bão và gần 160.000 ngôi nhà không an toàn trước lũ.

Mức hỗ trợ người nghèo làm nhà tránh lũ, tránh bão theo Quyết định 48/QĐTTg, hỗ trợ của tổ chức GDF... quá thấp so với đơn giá xây dựng hiện nay khiến nhiều người không đủ điều kiện làm nhà an toàn.

Ông Lương Văn Hùng - Thành viên đồng sáng lập quỹ Hỗ trợ Phát triển cộng đồng Sống bền vững (Sống Foudation) cho rằng không thể đưa ra một mẫu nhà chung cho toàn vùng. Mỗi vùng có đặc điểm lũ, bão khác nhau, giá thành xây dựng thực tế khác nhau, thói quen, đặc điểm sinh hoạt... của người dân cũng khác nhau.

VŨ TUẤN - BẢO NGỌC



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn