Có nghề, có tương lai!

Thứ sáu, 24/08/2018 - 06:00

Vào đại học không phải là con đường duy nhất tiến đến thành công, nhất là trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Thực tế đã chứng minh, có những sinh viên đỗ đại học, đã và đang vào học đại học, chuyển sang học nghề đã rất thành công ngay khi từ còn đang ngồi trên ghế nhà trường...

 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: C.Nghĩa)

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: C.Nghĩa)

Tuyển sinh là tuyển dụng

Chọn đại học hay học nghề luôn là vấn đề được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm. Thực tế, nhiều bạn trẻ không lựa chọn học nghề để theo đuổi bằng được “cánh cửa” đại học và chỉ chọn học cao đẳng, trung cấp nghề khi không còn sự lựa chọn nào khác. Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của các bậc phụ huynh và học sinh đã gây trở ngại lớn trong việc thu hút thí sinh dự thi vào cơ sở dạy nghề.

Trong khi đó, có một thực tế vẫn được nhắc đến nhiều là số sinh viên các trường đại học, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp khá lớn. Còn các sinh viên trường nghề, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật vẫn có nhiều khả năng tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về tài chính.

Cần ghi nhận vài năm gần đây đã có tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi tư duy môi trường nghề nghiệp của học sinh và phụ huynh. Song theo ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục phá bỏ lối tư duy này. Chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học.

“Ngay tại Đức và Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi” – Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Thực tế hiện nay, các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng). Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng được cầu.

Thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết, có thực tế là hàng năm vẫn còn nhiều học sinh cấp 2 không vào cấp 3 và học sinh cấp 3 không thi đại học hoặc trượt đại học nhưng vẫn không chọn học nghề. Trong số này có rất nhiều em sẽ đi làm công nhân hoặc đảm nhận những công việc không qua đào tạo. Theo ông, đây là sự lãng phí của xã hội. Nếu như các em rẽ sang học nghề thì trong các công việc sau này, các em sẽ không dễ bị sa thải, hoặc nếu bị sa thải thì cũng dễ dàng chuyển đổi sang công việc khác. Vì vậy, học tập để có nghề nghiệp ổn định là rất cần thiết.

Dưới góc độ trường nghề, thầy Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, có nhiều bạn sinh viên đỗ đại học, đã và đang vào học đại học chuyển sang học nghề ở trường đã rất thành công ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Các em tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất ra sản phẩm, tham gia thi các cuộc thi tay nghề, đã đạt được nhiều giải cao và sớm thành danh, được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển thẳng với mức thu nhập cao, ổn định, cơ hội thăng tiến cao… Nhiều em tự khởi nghiệp thành công, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều sinh viên khoá sau.

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh thông tin thêm, những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới 96% sau 6 tháng. Nhiều nghề không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp. Các sinh viên nhà trường luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao về tinh thần ý thức, thái độ làm việc cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc. Bắt đầu từ năm học này, nhà trường thực hiện chính sách "Tuyển sinh là tuyển dụng". Ký hợp đồng đào tạo giữa nhà trường, gia đình và các em bảo đảm 100% sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.

Nhóm ngành đang "hot"

Chọn học nghề, nhưng học ngành nào để ra trường không bị thất nghiệp luôn là mối quan tâm lớn đối với học sinh và các bậc phụ huynh.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao như: Công nghệ thông tin; Marketing; Quan hệ công chúng; Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điều dưỡng, Hộ sinh, Chăm sóc sắc đẹp, Lập trình viên, Các ngành, nghề thuộc lĩnh vực hàng không (Lái máy bay, tiếp viên hàng không...).

Thứ trưởng Lê Quân lưu ý, lựa chọn học ở đâu cũng là một vấn đề cần phụ huynh và học sinh cân nhắc kỹ lưỡng để tránh trường hợp trường quảng cáo và marketing quá cao so với năng lực thực tế. Căn cứ vào nhóm ngành, nghề xã hội có nhu cầu cao, các phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu xem trường nào đang đào tạo, các thông tin về nhà trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, website… để quyết định lựa chọn trường.

“Một số trường tiêu biểu có kết quả tuyển sinh và tình hình có việc làm tốt cho học sinh sau khi tốt nghiệp như: Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Dung Quất, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama II, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II...” – Thứ trưởng chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, thầy giáo Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhấn mạnh thêm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thế giới. Các công nghệ mới, các phát minh mới, kỹ thuật mới, tiến bộ mới ra đời dẫn đến hình thành những ngành nghề mới và sẽ có một số ngành nghề cũ bị thu hẹp hoặc mất đi.

Bên cạnh các ngành điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ vật liệu là những ngành luôn luôn có nhu cầu cao thì còn nhiều các ngành nghề đang có nhu cầu cao như: Chăm sóc sắc đẹp; ngành công nghiệp chế biến thực phẩm; ngành marketing; ngành du lịch, dịch vụ, quản lý nhà hàng khách sạn...

Chọn học đại học hay học nghề là một trong những quyết định trọng đại trong cuộc đời, phải được cân nhắc thật kĩ dựa vào khả năng, sở thích và hoàn cảnh mỗi người. Hãy cân nhắc để chắc chắn rằng, các bạn chọn ngành nghề học đại học đúng với sở thích và tương ứng với khả năng của bản thân. Còn không, đừng ngần ngại, hãy chọn học trường nghề!

Thực tế đã có nhiều bạn trẻ từ bỏ ngưỡng cửa đại học để đi học nghề. Nhiều tấm gương thành đạt, đi lên từ học nghề, giành được những vinh quang qua các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, thành công trong sự nghiệp. Có thể kể đến như: Bùi Thọ Tiến, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Huy chương Vàng ASEAN 2012; Trần Anh Tài, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Huy chương Vàng thi tay nghề ASEAN 2014; Nguyễn Thuận Hải, Trường Trung cấp nghề Hùng Vương, Huy chương Vàng ASEAN năm 2016; Nguyễn Văn Thiết, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, một trong 10 gương mặt tiêu biểu Thủ đô năm 2016, Huy chương Vàng ASEAN 2016…

Ông cha ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hoặc “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” hàm ý nói đến tầm quan trọng của việc làm nghề, học nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Đại học không phải là ngưỡng cửa duy nhất để vào đời.

Chọn học nghề mình yêu thích để lập thân, lập nghiệp là sự lựa chọn sáng suốt, bởi có nghề... là có tương lai!

Theo Tú Giang



Tin tức liên quan

  • Nhiều lợi thế khi học nghề
  • 23/07/2019 12:55
  • Đó là khẳng định của TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - về việc học nghề của giới trẻ hiện nay.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn