Con nói cha đánh chửi mẹ, tòa cho ly hôn

Thứ Sáu, ngày 27/4/2018 - 06:25

(PL)- Không có chứng cứ từ chính quyền địa phương về việc chồng đánh chửi vợ nên tòa đã dựa vào lời khai của đứa con nhỏ.

Chị T. và anh H. tổ chức đám cưới vào năm 1999 và một năm sau đã tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định. Trước đó anh chị đã quen biết từ rất lâu, tìm hiểu nhau khá kỹ.

Vì chuyện ăn nhậu

Vợ chồng anh H. chung sống hạnh phúc đến năm 2016 thì phát sinh mâu thuẫn trầm trọng. Lý do, chị T. cho rằng anh H. thường xuyên ăn nhậu, mắng chửi xúc phạm vợ, cũng từ đó cuộc sống giữa hai người không còn hòa hợp nữa. Chị T. đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng anh H. vẫn không khắc phục được việc nhậu nhẹt quá chén. Sau đó hai người đã sống ly thân. Cuối cùng chị T. gửi đơn ra tòa yêu cầu ly hôn với anh H. Trong đơn chị yêu cầu rõ là xin được nuôi con chung và không yêu cầu anh H. cấp dưỡng nuôi con chung.

Đơn xin ly hôn của chị T. được TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang thụ lý giải quyết. Mới đây tòa đã đưa vụ án ra xét xử sau nhiều lần thẩm phán mời hai bên lên hòa giải bất thành.

Tại phiên tòa, anh H. cho rằng mâu thuẫn giữa vợ chồng anh kéo dài nhưng không có gì trầm trọng, chỉ là bất đồng ý kiến. Anh cũng cho rằng mình không có những lời lẽ xúc phạm đối với vợ như chị T. trình bày. Anh nói rằng mình có ăn nhậu nhưng ít và hứa sẽ khắc phục, sửa chữa lỗi lầm, mong chị T. cho anh cơ hội để vợ chồng đoàn tụ. Từ đó anh H. không đồng ý ly hôn theo yêu cầu của chị T. Trong khi chị T. thì kiên quyết xin được ly hôn vì quan hệ vợ chồng không thể cứu vãn được.

Tòa cho ly hôn

HĐXX nhận định nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình bắt nguồn từ việc anh H. ăn nhậu và có lời lẽ xúc phạm chị T., làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của chị với bạn bè, đồng nghiệp. Trong thời gian ly thân hai người cũng đã tìm cách giải quyết mâu thuẫn nhưng không đạt được tiếng nói chung.

Hơn nữa, từ lúc tòa án thụ lý vụ án đến khi xét xử, mặc dù anh chị đã được động viên đoàn tụ nhiều lần nhưng phía chị T. xác định tình cảm vợ chồng không còn nên kiên quyết ly hôn. Anh H. không đồng ý ly hôn, thiết tha xin được đoàn tụ nhưng lại không có biện pháp gì hiệu quả để hàn gắn tình cảm vợ chồng.

Theo xác nhận của ban quản lý ấp nơi anh chị cư trú gửi tòa án thì họ không nắm được mức độ mâu thuẫn và sự việc xô xát cụ thể giữa anh H. và chị T. Hiện hai người cũng đang sống ly thân, con chung ở với mẹ. Thế nhưng qua làm việc với cháu C., là con chung của anh H. và chị T., thì cháu trình bày hai người có xảy ra mâu thuẫn, cha thường xuyên chửi mẹ, đôi khi còn đánh mẹ.

Từ đó HĐXX cho rằng tình cảm vợ chồng giữa anh H. và chị T. không còn khả năng hàn gắn, đoàn tụ, mục đích hôn nhân không đạt nên xem xét cho được ly hôn. Tòa cũng quyết định giao con chung là cháu C. cho chị T. trực tiếp nuôi dưỡng, phía anh H. không phải cấp dưỡng nuôi con chung.

Theo một thẩm phán chuyên xử án ly hôn tại TAND TP.HCM, đôi khi việc xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp giữa vợ chồng là rất khó khăn khi chính quyền địa phương không nắm được. Do đó, thẩm phán cần khai thác các kênh thông tin là những người thân trong gia đình của vợ chồng để có hướng giải quyết vụ án. Trong vụ án trên, thẩm phán đã khai thác thông tin từ con chung của vợ chồng để xác định nguyên nhân mâu thuẫn, điều này luật cho phép.

Căn cứ lấy lời khai của trẻ

Theo khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình, tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì cho ly hôn. Do đó, với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc.

Để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp, khoản 3 Điều 208 BLTTDS 2015 quy định: Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì thẩm phán, thẩm tra viên được chánh án tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi thấy cần thiết, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

MINH KHÁNH



Tin tức liên quan

  • Vụ chồng cũ tạt axit vào vợ: Bị kịch sau ngày hàn gắn
  • Thứ sáu, 30/03/2018 - 16:12
  • Vì thói ghen tuông mù quáng và vũ phu của Thông, chị H. không thể chịu nổi nên quyết định li hôn. Chia tay nhau được khoảng 3 tháng, họ quay lại sống chung và Thông vẫn giữ thói ghen tuông mù quáng nên đã đổ axít lên người vợ mình khiến chị H. bị bỏng nặng.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn