Cục trưởng Cục Trẻ em: Đừng coi việc bạo hành trẻ em là chuyện nhà người ta

29/12/2021 14:06

Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng thay vì cầu nguyện khi sự việc đã rồi. Luật trẻ em 2016 đã quy định rõ rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Cục trưởng Cục Trẻ em: Đừng coi việc bạo hành trẻ em là chuyện nhà người ta - Ảnh 1.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hỗ trợ 24/7 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đó là những chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - với Tuổi Trẻ Online về vụ việc cháu bé N.T.V.A. (8 tuổi) sống tại chung cư ở TP.HCM bị một người phụ nữ hành hung đến tử vong.

Theo ông Nam, sự việc đã làm toàn xã hội "xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị người gây ra tội ác". Pháp luật sẽ đưa ra những hình phạt nghiêm khắc nhất để răn đe nhưng hậu quả để lại là không thể cứu vãn.

"Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại việc dạy dỗ, giáo dục trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, chà đạp… Nhiều trường hợp cố tình ngụy biện để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật với cái cớ "dạy dỗ con", "chuyện gia đình"" - ông Nam xót xa.

Những người xung quanh lại ngại ngùng khi động đến các vấn đề của gia đình người khác, vẫn tặc lưỡi cho qua "kệ, chuyện nhà người ta".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - chia sẻ, bảo vệ trẻ em thì mức độ đầu tiên là phòng ngừa, rồi mới đến can thiệp, hỗ trợ.

Bạo lực luôn có xu hướng leo thang và trở thành thói quen, nếu bạn thấy hành động trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ nhỏ có xu hướng nghiêm trọng hoặc có thể là hành vi lặp lại, để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn trong tương lai, hãy thông báo ngay tới các cơ quan chức năng (công an, UBND) và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Có nhiều cách để ngăn chặn việc bạo hành trẻ em. Nếu là hàng xóm, hành động bình dị mà bạn có thể làm là bấm chuông, gọi cửa nhà hàng xóm và đánh lạc hướng để làm gián đoạn và/hoặc chấm dứt việc đánh mắng đứa trẻ của người chăm sóc trẻ.

Một câu hỏi thăm, hỏi đường, hỏi mượn đồ dùng như những người hàng xóm với nhau cũng có thể tạm cứu một đứa trẻ tức thời khỏi cơn đau thể xác, tinh thần. Nếu có thể, hãy nói chuyện và hỗ trợ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ hàng xóm, láng giềng các phương pháp kỷ luật tích cực hay hỗ trợ trẻ.

Khi ở nơi công cộng, hãy lập tức lên tiếng và có thể kêu gọi sự đồng tình của những người xung quanh để bảo đảm người chăm sóc trẻ dừng đánh mắng hay trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ.

HÀ QUÂN - NGUYỄN HIỀN



Tin tức liên quan

  • Sắp Tết, thôi thì cứ mơ...
  • 16/01/2018 11:05 GMT+7
  • TTO - Mơ ngành tòa án rảnh rang, xăng E5 không tăng giá, trẻ con các lớp mầm non không bị hành hạ, quan tham co vòi và sự tử tế lên ngôi... Ừ thì cứ mơ ước vậy đi.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn