Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra tòa sáng nay

10/12/2021 06:16

Cựu chủ tịch Hà Nội bị đưa ra xét xử với cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ao hồ ô nhiễm từ công ty do vợ mình thành lập với giá cao, giúp công ty ‘sân nhà’ hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra tòa sáng nay - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung - cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng nay (10-12), Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng bị cáo Võ Tiến Hùng - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - và Nguyễn Trường Giang - giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic - bị đưa ra xét xử cùng về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ án dự kiến xét xử kéo dài 2 ngày, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

11 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo, trong đó riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung có 5 luật sư bào chữa.

Trước phiên xử, luật sư Nguyễn Văn Tú (một trong 5 người bào chữa cho ông Chung) cho biết sức khỏe của cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội về cơ bản ổn định.

"Ông Chung vẫn có bệnh trong người nhưng đủ sức khỏe để tham gia tranh tụng ngày mai", luật sư Tú nói.

Đây là vụ án thứ hai cựu chủ tịch Hà Nội bị đưa ra xét xử. Trước đó ông bị phạt 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" liên quan đại án Nhật Cường. Ngoài ra bị cáo Chung còn bị truy tố trong vụ án khác vì có hành can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu.

Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội với tư cách là nguyên đơn dân sự. Tòa cũng trriệu tập một số người của công ty này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: ông Bùi Ngọc Uyên (giám đốc Xí nghiệp quản lý các nhà máy xử lý nước thải), ông Trần Trọng Văn (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội)…

Tòa còn triệu tập thêm một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác, trong đó có đại diện UBND thành phố Hà Nội, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Arktic, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung)…

Theo cáo buộc từ cơ quan truy tố, năm 2016, UBND Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn bằng cách tìm công nghệ phù hợp. Cựu chủ tịch Hà Nội đã đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước ao hồ trên địa bàn thủ đô.

Tuy nhiên ông Chung lại chỉ đạo Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm qua Công ty Arktic thay vì nhập khẩu trực tiếp từ công ty của Đức. Trong khi tài liệu điều tra thể hiện Arktic vốn là công ty gia đình của ông Chung.

Viện kiểm sát cho rằng từ sự hậu thuẫn của ông Chung, Công ty Arktic đã được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy-3C và bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội.

Nếu Hà Nội mua chế phẩm này từ công ty của Đức sẽ có giá 8,5 euro/kg (hơn 222.000 đồng), còn mua thông qua "công ty sân nhà" của ông Chung thì sẽ có giá 295.000 - 326.000/kg.

Viện kiểm sát cáo buộc việc đưa thương vụ mua chế phẩm xử lý nước ô nhiễm về "công ty sân nhà" của ông Chung đã mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ).

Với đặc quyền cung cấp độc quyền chế phẩm Redoxy-3C cho Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 2016 - 2019, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Arktic mua lượng chế phẩm này từ Hãng Watch Water với giá 115 tỉ đồng, sau đó bán lại với giá 151 tỉ đồng, hưởng lợi 36,1 tỉ đồng.

Ông Chung gửi đơn khiếu nại lên chánh án

Trước phiên xử hôm nay, từ trại tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung đã có đơn gửi chánh án TAND Hà Nội để trình bày một số quan điểm liên quan vụ án. Bị cáo đưa ra quan điểm không đồng tình với việc cơ quan tố tụng quy kết sai phạm từ vụ mua bán Redoxy 3C gây thiệt hại cho UBND TP Hà Nội hơn 36 tỉ đồng.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội phủ nhận cáo buộc chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng phải mua Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.

Trong đơn, ông Chung còn nhắc đến việc phải đi mổ ung thư phổi tại Pháp từ tối 15-10-2016 đến 10-11-2016. Trong khi đó, công ty thoát nước ký hợp đồng mua lô hàng thứ 3 vào ngày 31-10-2016 nên ông đề nghị xem xét lại vai trò của mình trong vụ án.

Bị cáo cũng kiến nghị cơ quan tố tụng trưng cầu giám định để xác định thiệt hại của vụ án, đánh giá hiệu quả hoặc tác hại của việc dùng Redoxy-3C.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG



Tin tức liên quan

  • Thành lập thêm công ty con, Chủ tịch HĐTV chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng phụ cấp
  • Thứ tư, 21/02/2018 - 07:38
  • Ngày 20-2, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội cho biết đã kết thúc giai đoạn 1 quá trình điều tra vụ án Nguyễn Cự Tẩm, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Haprosimex kiêm Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Haprosimex - Nhà máy Dệt kim Haprosimex và đồng phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Tham ô tài sản.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn