Đà Nẵng sẽ dừng đưa người lang thang xin ăn vào cơ sở bảo trợ?

16/05/2022 10:17

Thông tin Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng lấy ý kiến về việc bãi bỏ quyết định đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội đang được dư luận TP này quan tâm đặc biệt, khi có lo lắng rằng chính sách nhân văn này sẽ dừng lại.

Đà Nẵng sẽ dừng đưa người lang thang xin ăn vào cơ sở bảo trợ? - Ảnh 1.

Tổ xử lý thông tin về người lang thang xin ăn TP Đà Nẵng tuyên truyền nghiêm cấm lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để bán hàng rong, xin ăn trong dịp 30-4, 1-5 vừa qua - Ảnh: TL

Ngày 16-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, xác nhận cơ quan này đang triển khai lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc bãi bỏ quyết định này.

Tuy nhiên, ông An cho rằng đây chỉ là động tác điều chỉnh thủ tục hành chính cho phù hợp quy định mới của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, không có nghĩa là TP sẽ dừng chủ trương này. Theo ông An, đây là chủ trương hiệu quả, đã trở thành thương hiệu của TP Đà Nẵng, đó là TP 5 không 3 có, bao gồm không có người lang thang xin ăn.

Theo đó, thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho hay từ khi triển khai quyết định đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội từ năm 2015 tới nay đã thu gom gần 1.500 người vào cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc. Trong đó có 419 người lang thang, 365 người xin ăn và 157 người xin ăn biến tướng và 551 người bệnh tâm thần.

Chính sách này không chỉ được người dân Đà Nẵng mà cả du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao khi đã tạo ra môi trường đô thị văn minh, hiện đại, dẹp bỏ được tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng gây cảnh nhếch nhác. Đồng thời, những người không nơi nương tựa, đau bệnh, hoàn cảnh khó khăn thực sự có được nơi chăm sóc, nuôi dưỡng.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương này, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết sẽ tham mưu chủ tịch UBND TP ban hành quyết định hành chính quy định đưa đối tượng lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thuộc trường hợp "các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh".

TẤN LỰC



Tin tức liên quan

  • Bắc Giang: Dùng sai mục đích nguồn tiền bảo đảm xã hội hay bảo trợ xã hội?
  • Thứ ba, 06/03/2018 - 09:39
  • Sau khi bị Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận trong nhiều năm, huyện Yên Thế đã sử dụng nguồn tiền bảo đảm xã hội chi cho các đối tượng không thuộc đối tượng BTXH, làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo địa phương này khẳng định không hề sử dụng nguồn tiền bảo trợ xã hội sai mục đích. Tiền bảo đảm xã hội và bảo trợ xã hội là 2 nguồn tiền khác nhau.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn