Đại biểu Quốc hội đề xuất công khai thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo

Thứ tư, 13/6/2018, 10:17 (GMT+7)

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nếu cơ quan quản lý và người dân biết được thuế thu nhập cá nhân của cán bộ thì sẽ thực hiện chức năng giám sát tốt hơn.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Hơn 10 đại biểu đăng đàn trong nửa đầu buổi sáng đều cho ý kiến vào quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Theo đó, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cả hai phương án trên đều không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu cơ quan chức năng chứng minh tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: QH

Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: QH

Đại biểu Bế Minh Đức phân tích, công chức có nhiều nguồn thu nhập chứ không chỉ đơn thuần nhận lương, trong đó có những nguồn tuy không bất hợp pháp nhưng họ chưa muốn công khai, do vậy việc kê khai không trung thực có thể xếp vào diện trốn thuế và áp thuế suất 45% là phù hợp.

Đại biểu Mùa A Vàng chung quan điểm với ông Đức nhưng lập luận theo một cách khác. Ông cho rằng, “nên áp dụng phương án đánh thuế, vì nếu phạt hành chính với mức tiền bằng 45% giá trị tài sản thì sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội, khó xử phạt nếu không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có”.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Ngọc Thuý lập luận, tài sản của một người có thể phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự liên quan, không dễ để buộc chủ sở hữu phải giải trình nguồn gốc. Bà Thuý ví dụ, người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng phải cam kết không được khai người cho, trường hợp này không thể bắt người mẹ phải giải trình nguồn gốc tài sản được cho.

“Quy định mọi đối tượng sở hữu nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu thuế là không hợp lý. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tuỳ tiện và làm cản trở sự phát triển”, bà Thuý nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH

Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng hầu hết thu nhập cá nhân  của cán bộ, công chức hiện đều từ lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế tài sản lớn... Theo quy định thì các khoản thu nhập đó đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và sắc thuế này được quản lý chặt chẽ, chính xác.

“Tại sao chúng ta không yêu cầu thêm điều kiện buộc là những cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo, thuộc diện liên quan đến quy định của Luật phải kê khai và công khai thuế thu nhập cá nhân. Nếu biết con số cụ thể này, các cơ quan chức năng và người dân dễ dàng giám sát, theo dõi. Không lý gì thuế thu nhập cá nhân mỗi năm chỉ đóng một đến hai triệu đồng nhưng cán bộ đó mua được nhà, mua được xe”, ông Hiếu nói.

Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua lần đầu vào năm 2005 và đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Dự án Luật lần này sẽ được Quốc hội khoá 14 tiếp tục xem xét tại kỳ họp cuối năm.

Tiếp tục cập nhật.

Hoài Thu - Bảo Hà



Tin tức liên quan

  • Người mẫu nhí sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ?
  • Thứ Tư, ngày 27/3/2019 - 16:12
  • (PLO)- Người mẫu nhí khôngbiết nộp thuế thu nhập cá nhân như thế nào vì không có mã số thuế để kê khai, trong khi phụhuynh thì không đồng ý cho việc khấu trừ thuế theo mã số thuế cá nhân của mình.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn