Đại biểu Quốc hội: Mỗi trường một bộ sách sẽ rất phức tạp

04/04/2019 13:06

Quy định nguyên tắc một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã được Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đồng ý đưa vào dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), nhưng một số đại biểu Quốc hội chưa đồng tình.

Đại biểu Quốc hội: Mỗi trường một bộ sách sẽ rất phức tạp - Ảnh 1.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cùng một tỉnh, thành mà mỗi trường một loại sách thì rất phức tạp- Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng một tỉnh, thành phố mà mỗi trường một loại sách thì rất phức tạp. Khi thi các em thi chung một đề, mà lúc học nhiều sách thì thi thế nào?

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật giáo dục (sửa đổi) diễn ra sáng 4-4 tại Hà Nội nhằm gút lại những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật tại kỳ họp giữa năm 2019.

Nhiều bộ sách: phức tạp?

"Tôi đề xuất khác quy định trong dự thảo luật" - đại biểu Phạm Văn Hòa dứt khoát và đề nghị "chỉ nên quy định một chương trình với một bộ sách giáo khoa".

Đại biểu Hòa nói ông rất băn khoăn về quy định giao cho trường chọn sách giáo khoa trên cơ sở tham khảo cha mẹ học sinh và học sinh.

"Tôi xin lỗi, cha mẹ học sinh và các em biết gì mà chọn sách, các em đã học đâu mà biết chọn sách nào? Cùng một tỉnh, TP mà mỗi trường một loại sách thì rất phức tạp. Khi thi các em thi chung một đề, mà lúc học nhiều sách thì thi thế nào?" - ông Hòa đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang phân tích: Nếu giao nhà trường phối hợp cha mẹ học sinh để lựa chọn sách giáo khoa thì thực chất vẫn là người đứng đầu nhà trường có quyền quyết định. Cha mẹ có đủ năng lực để lựa chọn sách giáo khoa cho con mình hay không, hay việc lấy ý kiến chỉ là hình thức?

Bà Trang cũng lo ngại chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa gắn với xã hội hóa sách giáo khoa sẽ xảy ra tình trạng thương mại hóa, cạnh tranh không lành mạnh để bán được sách.

"Đề nghị nhà nước biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông, dùng chung trong cả nước" - đại biểu Trang nêu quan điểm.

Nhiều bộ sách để không lệ thuộc vào sách

Đại biểu Quốc hội: Mỗi trường một bộ sách sẽ rất phức tạp - Ảnh 3.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: LÊ KIÊN

Có quan điểm khác, đại biểu Bùi Văn Phương trình bày: "Tôi cho rằng luật quy định một chương trình có một hoặc một số sách giáo khoa là phù hợp, bởi sách giáo khoa chỉ là phương tiện, phương pháp để các em tiếp cận nội dung môn học. Sách giáo khoa nào giúp các em tiếp cận nội dung, kiến thức tốt hơn của khung chương trình thì sẽ được chọn".

Đại biểu Phương cũng cho rằng xã hội hóa sách giáo khoa là để cạnh tranh chất lượng, thu hút chất xám của xã hội trong việc biên soạn sách.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lại quan điểm trong các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó khẳng định chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".

Bộ trưởng cho biết khung chương trình là 80% chung cho toàn quốc, còn 20% là để địa phương biên soạn, nhưng không phải địa phương muốn viết gì thì viết, mà phải có hội đồng thẩm định, biên soạn sách phải bám sát khung chương trình.

"Sách giáo khoa cũng không phải mỗi người viết một kiểu, mà phải bám vào khung chương trình để viết, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn vấn đề này" - bộ trưởng Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng khẳng định bộ sách của Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn và các bộ sách khác của các tổ chức, cá nhân biên soạn không có gì bất bình đẳng, và các bộ sách đều được hội đồng thẩm định xong thì mới được lưu hành.

Quy định nhiều bộ sách giáo khoa là để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc giảng dạy học sinh, không lệ thuộc vào sách.

Mỗi tỉnh thành lập một hội đồng tuyển chọn cho phù hợp vùng miền?

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng trao quyền lựa chọn sách cho nhà trường sẽ xảy ra phức tạp: "Ví dụ khi học sinh chuyển trường phải thay sách. Mỗi huyện, thị có nhiều trường, mỗi trường một loại sách cũng bất cập. Rồi nhiều người làm sách thì có xảy ra tình trạng chạy chọt để bán sách của mình không?".

Không phản đối chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng đại biểu Lâm kiến nghị: "Nên chăng quy định các tỉnh, TP thành lập hội đồng tuyển chọn sách giáo khoa để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa lý, kinh tế - xã hội và văn hóa của vùng, miền".

LÊ KIÊN



Tin tức liên quan

  • Chưa nhận tin cán bộ ‘hùn vốn’ xây chùa
  • Thứ Năm, ngày 6/6/2019 - 01:40
  • (PL)- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay ông chưa nhận thông tin liên quan đến sự đóng góp nào của các quan chức khi xây dựng chùa như đại biểu Quốc hội nêu ra ở phiên chất vấn chiều 5-6.

  • Đề xuất cho người lao động nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật
  • Thứ Ba, ngày 8/10/2019 - 05:30
  • (PL)- Sau khi thực hiện các cuộc khảo sát và nhận được sự ủng hộ của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về giờ làm việc trong tuần và tăng ba ngày nghỉ lễ trong năm.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn