Đại gia ngành điện 'bỏ túi' trăm tỷ sau đề nghị tăng giá tham chiếu

Thứ tư, 17/1/2018 | 13:40 GMT+7

Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu GEX được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM điều chỉnh từ 24.500 đồng lên 25.100 đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vừa chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã CK: GEX) niêm yết toàn bộ 266,8 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE. Giá tham chiếu của cổ phiếu này được xác định dựa trên giá bình quân 20 phiên giao dịch từ cuối tháng 11/2017 là 24.500 đồng.

Tuy nhiên, một tuần trước khi phiên giao dịch đầu tiên ngày 18/1 diễn ra, Gelex có văn bản đề nghị HoSE điều chỉnh giá tham chiếu tăng thêm 600 đồng, lên mức 25.100 đồng. Ước tính vốn hóa thị trường vào khoảng 6.700 tỷ đồng, tăng hơn 160 tỷ đồng so với giá tham chiếu cũ.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, việc tăng giá này nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và phù hợp diễn biến thị trường. Dù đề nghị tăng giá tham chiếu được chấp nhận, nhưng công ty vẫn như nhiều doanh nghiệp chuyển sàn trước đó chịu cảnh giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM hoặc HNX chênh lệch đáng kể so với giá niêm yết mới. Cổ phiếu này liên tục tăng trước khi thực hiện thủ tục chuyển sàn và đóng cửa phiên hủy đăng ký ngày 12/1 tại mức 31.800 đồng, tăng hơn 32% so với một tháng trước đó.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, việc chuyển sàn không phải bất lợi lớn đối với doanh nghiệp do hoạt động này chỉ tác động ngắn hạn đến giá cổ phiếu. Xét về dài hạn, giá cổ phiếu sẽ phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng phát triển của doanh nghiệp.

Gelex tiền thân là Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, thành lập năm 1995 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ cuối năm 2010. Sau khi công ty niêm yết trên sàn UPCoM và bước vào giai đoạn tái cấu trúc, Bộ Công Thương đã thoái toàn bộ 100% vốn đầu tư tại đây. Tính đến nay, công ty trải qua bốn lần tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 2.668 tỷ đồng.

Gelex đang hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư. Tổng giá trị đầu tư vào các công ty con vượt trên 5.000 tỷ đồng. Thế mạnh của công ty là cung cấp thiết bị điện với bốn nhóm sản phẩm chính là dây và cáp điện, máy biến áp, động cơ điện, thiết bị đo điện… chiếm khoảng 23%-35% thị phần cả nước.

9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của công ty đạt 8.668 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng hóa và thành phẩm chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 89%, phần còn lại đến từ hợp đồng xây dựng và bán điện.

Phương Đông



Tin tức liên quan

  • Nỗi lo thiếu hụt nguồn điện
  • Thứ Tư, ngày 24/10/2018 - 08:30
  • (PLO)-Những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt là nguy cơ thiếu hụt nguồn điện cho phát triển kinh tế đất nước.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn