Đại gia thủy sản An Giang lỗ trăm tỷ trong nửa năm

Thứ sáu, 13/7/2018, 15:30 (GMT+7)

Agifish bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế đến ngày kết thúc nửa đầu niên độ hơn 275 tỷ.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish, mã chứng khoán: AGF) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu niên độ 2017-2018. Công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, xuống xấp xỉ 810 tỷ đồng. Nguồn thu từ bán cá nội địa và hàng phụ phẩm lao dốc đột biến nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ trọng đóng góp doanh thu.

Giá nguyên liệu tăng cao khiến Agifish lỗ gộp hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn đầu năm âm đến 165 tỷ sau khi trừ chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp dù các chỉ tiêu này đều được tiết kiệm đáng kể.

Agifish lỗ đậm do giá nguyên liệu tăng mạnh trong nửa đầu 2018. Ảnh: Agifish.

Agifish lỗ đậm do giá nguyên liệu tăng mạnh trong nửa đầu 2018. Ảnh: Agifish.

Hoạt động kinh doanh thụt lùi khiến lỗ lũy kế của công ty tiếp tục tăng lên, đạt hơn 258 tỷ đồng tính đến ngày kết thúc nửa đầu niên độ. Dù vậy, phía kiểm toán vẫn cho rằng khoản lỗ có thể tăng thêm gần 97 tỷ đồng do công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi khi lập báo cáo tài chính mới đây. Điều này cũng khiến công ty đứng trước hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục.

Agifish đặt mục tiêu xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa 28.000 tấn thành phẩm các loại để đạt mốc doanh thu 1.800 tỷ đồng. Giữa tháng 3, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I với khoản lỗ 96 tỷ đồng, ban lãnh đạo công ty đề xuất điều chỉnh kế hoạch năm nay là “cố gắng không lỗ”.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, tình hình hoạt động hiện gặp rất nhiều khó khăn, nguyên liệu không đủ đáp ứng sản xuất nên buộc phải tạm ngưng 2 nhà máy đông lạnh, đồng thời tiết giảm chi phí đầu vào như bao bì, nhiên liệu, điện nước. Công ty đã giải phóng lượng lớn hàng tồn kho thành phẩm nên tổng tài sản giảm gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Công ty đang muốn đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng như khô cá tra, da cá chiên giòn để phát triển ở những thị trường mới như Campuchia, Malaysia…

Phương Đông



Tin tức liên quan

  • Cá nằm chờ...'xuất cảnh' vì thông tư ngáng đường
  • 04/04/2019 10:12
  • Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hơn 5.000 tấn cá của doanh nghiệp tồn đọng, không xuất khẩu được vì chậm công bố danh sách cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

  • Đã đến lúc ra tay 'dưỡng biển'
  • 05/08/2019 07:15
  • Hàng loạt địa phương chứng kiến cảnh tàu cá nằm bờ do hải sản cạn kiệt trong lúc chi phí tăng cao, thiếu nhân lực. Nhiều tiếng nói đề nghị phải hạn chế đánh bắt một số thời điểm để "dưỡng biển".


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn