Dân đô thị sẽ phải đóng tiền điện, nước, học phí... qua ATM, POS

Thứ tư, 02/01/2019 - 13:30

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh thanh toán điện tử trong năm 2019 và yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiện điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến 2021.

Dân đô thị sẽ phải đóng tiền điện, nước, học phí... qua ATM, POS - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử, dân đô thị được đề nghị đóng tiền các dịch vụ qua các hình thức trực tuyến.

Đây là Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 19 về Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành và thực hiện lần đầu từ năm 2014. Sau 5 năm thực hiện, Chính phủ thay thế bằng Nghị quyết số 02.

Trọng tâm của Nghị quyết số 02 là Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Nghị quyết 02 nêu rõ: Trước quý III/2019, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiện điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12-2019.

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử, Bộ Tài chính sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế tài chính, trước quý III/2019.

Thanh toán điện tử qua ATM, máy thanh toán cầm tay (máy quẹt thẻ), thanh toán qua các cổng giao thức thanh toán di động (+ Pay) của các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính đã và đang được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam.

An Linh



Tin tức liên quan

  • Kỷ nguyên thanh toán không tiền mặt
  • 21/05/2022 08:24
  • Cứ 100 người trưởng thành có đến 66 người có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Việc số hóa dịch vụ và tác động của dịch COVID-19 đã giúp thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu và ưu tiên hàng đầu của người dùng.

  • Thời của thanh toán qua điện thoại
  • 21/05/2019 09:01
  • Nếu đã sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử một lần, chắc chắn sẽ không bao giờ muốn quay lại thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng cái khó là phải làm sao cho người dân "bước qua" được thói quen dùng tiền mặt.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn