Dạy học online: Một tiết dạy, trăm mắt nhìn

13/09/2021 06:30

"Khán thính giả" của giáo viên trong giờ dạy online giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là lãnh đạo trường, phụ huynh, ông bà, dư luận và cả mạng xã hội.

Dạy học online: Một tiết dạy, trăm mắt nhìn - Ảnh 1.

Giáo viên một trường tiểu học ở TP.HCM dạy online trong những ngày đầu năm học 2021 - 2022 - Ảnh: L.T.

Phụ huynh nên đánh giá, góp ý ở mức độ thông cảm; chia sẻ, góp ý xây dựng mang tính hệ thống. Thử nghĩ khi ta làm việc mà có camera và bao nhiêu con mắt theo dõi thì áp lực rất nặng nề. Học sinh chưa sẵn sàng học tập, mình chưa được chuẩn bị, trang bị tốt nhưng phải dạy. Rồi bản thân giáo viên có gánh nặng gia đình, có người thân bị mắc COVID-19, có người mất việc... Đâu đó họ rất cần được chia sẻ thêm, cần được thông cảm thêm đằng sau những tiết dạy

Bà NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG

Áp lực bủa vây giáo viên mà để vượt qua, bên cạnh nỗ lực của thầy cô, rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ và chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội.

"Nói sao để con hiểu, phụ huynh hài lòng?!"

Cô N.T.T.K., chủ nhiệm lớp 2 một trường tiểu học ở quận 6 (TP.HCM), cho biết một tuần trôi qua, sau ngày tựu trường cô cảm thấy thật căng thẳng và chưa nghĩ ra cách nào khả thi để thoát ra được. "Tôi không thấy nặng về chương trình hay phương pháp dạy học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh. Cái tôi lo là trong tiết dạy của mình, nhiều phụ huynh hỗ trợ con và can thiệp hơi sâu. Có hôm vẳng trong âm thanh tiếng phụ huynh: "Không biết bà cô mày dạy có chuẩn không?". Tôi thật sự buồn. Đây là những giờ "mào đầu" để dặn dò các con về kỹ năng, kích thích tinh thần học cho con nên giáo viên đôi khi phải pha những câu chuyện đời thường, nhẹ nhàng, vui vẻ. Phụ huynh lại hiểu sai ý. Đó là chưa kể mạng Internet mấy hôm nay bị rớt liên tục, có em vào được, em thì không; phụ huynh lại nổi nóng với giáo viên, xem như lỗi tại cô" - cô K. giãi bày.

Phụ trách lớp gồm 35 em học sinh lớp 1 môn tiếng Anh tích hợp ở một trường của quận Tân Bình, cô H.G. kể có 35 camera trên màn hình máy tính của cô, mỗi ô tài khoản tên học sinh xuất hiện đến 2 - 3 người chen vào và xen ngang. Cô H.G. nói thêm đó là ông bà, cha mẹ, anh chị của các em "điểm diện" vào trong camera khi tiết học bắt đầu.

"Việc ông bà, gia đình quan tâm đến tiết học của con là điều rất tốt. Nhưng dù online nhưng đây là không gian lớp học, người thân xuất hiện ở lớp nên buộc cô giáo phải linh hoạt ngôn ngữ cho cả hai thế hệ. Nói sao cho các con hiểu, nói như thế nào để phụ huynh hài lòng… Nhìn màn hình khô cứng nhưng giáo viên phải hoạt ngôn cho phù hợp với học sinh, phụ huynh. Nghĩa là trong một tiết dạy có trăm con mắt nhìn, giáo viên vô cùng áp lực" - cô G. nói.

Dạy học online: Một tiết dạy, trăm mắt nhìn - Ảnh 3.

Giáo viên một trường tiểu học ở TP.HCM họp phụ huynh, chia sẻ những khó khăn chung trong những ngày đầu năm học 2021 - 2022 - Ảnh: L.T.

Cuộc "di dân" thiếu chuẩn bị

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, ví việc học sinh ở Việt Nam online mà không có chuẩn bị trước nôm na như cuộc di dân lên thế giới số do đại hồng thủy mang tên COVID-19 ập tới. Theo bà Uyên Phương, trong cuộc "di dân" này, giáo viên là người gần như tự lực khai phá vùng đất mới, vùng đất xa lạ và cầm "cuốc" để khai hoang trong trạng thái bị động, thiếu hỗ trợ nhưng thừa áp lực.

"Giáo viên trẻ quen thuộc với công nghệ, giáo viên lớn tuổi thì quen với phấn trắng bảng đen, đấy đã là không đồng đều rồi. Chưa kể không phải giáo viên nào cũng có laptop, rồi đời mới đời cũ, nhà trường chưa có trang bị máy tính cho giáo viên. Ở nhà, đường truyền Internet chập chờn, hoặc giáo viên ở trọ nên gói WiFi có hạn. Ở trường tư giáo viên được hỗ trợ vì trường tư có ngân sách, hạ tầng công nghệ. Còn đa số giáo viên trường công chưa sẵn sàng để dạy học online, công cụ khai hoang không được trang bị đầy đủ.

Ngoài ra, các giáo viên chưa được tập huấn về khía cạnh để hiểu tâm lý học sinh và thiết lập mối quan hệ của các em khi chuyển đổi phương pháp học tập, để giúp học sinh tinh thần tự kỷ luật khi lên môi trường online. Thầy cô chỉ tập huấn về một số kỹ thuật online nhưng thách thức online không phải giảng bài mà căn bản học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng tự quản, tự học. Bây giờ các em chỉ có màn hình, không gian không có, việc học sẽ sao nhãng, miễn cưỡng" - bà Uyên Phương phân tích.

Từng chứng kiến và trải qua những câu chuyện của đồng nghiệp khi dạy online cho học sinh tiểu học ở nước ngoài, bà Phạm Ngọc Quế Anh - đang học tiến sĩ giáo dục Trường ĐH Texas, Mỹ - cho rằng so với việc dạy học bằng "phấn trắng, bảng đen" thì việc dạy học online lại càng mang lại những thử thách lớn cho chính giáo viên.

"Là một giáo viên, tôi nghĩ ai cũng mong muốn mang lại cho học trò những tiết học chất lượng, đảm bảo các yêu cầu và mục tiêu của môn học. Nhưng một số vấn đề khác phát sinh trong dạy học online như lỗi mạng, học sinh lúng túng trong việc tương tác với giáo viên, cách sử dụng các phần mềm… cũng khiến giáo viên gặp không ít áp lực và cần được cảm thông, chia sẻ" - bà Quế Anh nói.

Theo bà Quế Anh: "Trong giai đoạn hiện nay, phụ huynh chính là người tương tác trực tiếp, dễ dàng với con. Vì vậy, tôi nghĩ sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh cần thắt chặt hơn nữa để có thể hỗ trợ, chia sẻ và cảm thông trong việc dạy và học hiệu quả hơn".

Dễ "tụt mood"

Ngoài áp lực, cô H.G. cho rằng không riêng mình mà hầu như giáo viên dạy online, nhất là cấp tiểu học, phải mang nỗi lo là dạy sao cho không để phản ảnh khó, khổ, than phiền đến ban giám hiệu. "Lãnh đạo nhà trường luôn nhắc nhở, kiểm tra công tác chuyên môn, xử lý tiếp nhận phản hồi từ phụ huynh. Lỡ có một phụ huynh chưa hiểu hết câu chuyện phản ảnh giáo viên dạy thế nọ thế kia thì rất "tụt mood" (mất hứng - PV). Lo lắng, áp lực, căng thẳng là điều nhiều giáo viên không nói ra nhưng trong lòng luôn nặng trĩu" - cô H.G. tâm tư.

THẢO THƯƠNG



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn