'Đề nghị trao quyền điều tra sớm với đảng viên có dấu hiệu vi phạm'

Thứ năm, 31/5/2018, 00:00 (GMT+7)

Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng việc phong tỏa tài sản, cấm xuất cảnh nếu được áp dụng sớm sẽ giúp điều tra tham nhũng tốt hơn.

Trước phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vào chiều nay 31/5, VnExpress có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An, xung quanh nội dung này. 

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ an. Ảnh: QH

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ an. Ảnh: QH

- Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành lần đầu năm 2005, qua hơn 10 năm hiệu lực, ông nhận xét gì về cuộc chiến chống "giặc nội xâm" hiện nay?

- Thời gian gần đây, chắn chắn không chỉ riêng tôi mà mọi người đều thấy công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có tiến bộ vượt bậc.

Hồi trước có ý kiến dùng hình ảnh "tắm từ vai xuống" để chỉ tình trạng không phát hiện được quan chức cấp cao tham nhũng, cũng không ai dám nói về vấn đề này. Nhưng bây giờ cả trong phát ngôn cũng như hành động cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết quả xét xử nhiều vụ án đã khẳng định "không có vùng cấm"; ai băn khoăn, do dự thì  "đứng qua một bên để người khác làm". Đây là tín hiệu rất tốt và được cử tri ủng hộ. Tất nhiên để phòng, chống tham nhũng thì không phải riêng một đạo luật làm được mà phải có nhiều luật, nhiều giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Tôi cho rằng, với quyết tâm chính trị cao như vậy thì công cuộc này phải được làm thường xuyên, liên tục, chống tham nhũng mà chúng ta làm theo thời vụ thì không ăn thua. 

- Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói chống tham nhũng "không phải làm một lần là xong" và không có chuyện "đánh ai trong nội bộ". Ông nghĩ sao?

- Phòng, chống tham nhũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước và cũng là yêu cầu của nhân dân, không phải là công việc của một cá nhân nào để nói rằng "thanh trừng" hay "nội bộ". Tôi phản đối nếu có ai nhận định như vậy. 

Hơn nữa, ai có vi phạm thì phải chịu xử lý theo quy định pháp luật. Quan điểm xử lý đã được nêu rõ là "xử một người để cứu muôn người". 

Như vậy việc xử lý ở đây, kể cả đi tù, tử hình hay thu hồi tài sản cũng để phục vụ cho công cuộc phòng chống tham nhũng, răn đe hàng triệu người về sau đừng đi theo vết xe đổ đó.

- Từ thực tiễn của người làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ông đề xuất biện pháp gì để tạo đột phá trong lĩnh vực này?  

- Qua nghiên cứu dự thảo Luật, tôi cũng nghĩ rằng cần các cơ chế mạnh mẽ hơn để phát hiện, xử lý tham nhũng. Ví dụ, quy định mới đây của Bộ Chính trị, Uỷ ban Kiểm tra các cấp có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.

Tôi thấy quy định này rất hay, nếu anh là công dân bình thường thì theo quy định pháp luật, còn anh là đảng viên, là người của tổ chức thì phải chấp hành điều đó.

Cũng theo quy định nêu trên, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản thì Uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền yêu cầu người đó giữ nguyên hiện trạng tài sản; trong trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng lần này cũng phải trao cho cơ quan chức năng quyền điều tra sớm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên, nghĩa là áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt. 

Biện pháp điều tra đặc biệt quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại, thu thập dữ liệu điện tử… Ở ngành công an, khi đánh tội phạm ma túy, nhất là những vụ lớn thì không phải ngẫu nhiên phá án mà phải theo một thời gian rất dài. Tội phạm tham nhũng cũng vậy, theo tôi, nên trao cho cơ quan điều tra cơ chế đặc biệt. Tất nhiên ở đây không phải "nhăm nhăm đi bắt" mà là xử lý những người nào đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm. 

- Việc áp dụng sớm biện pháp phong toả tài sản trong khi chưa có bản án hiệu lực, thậm chí là chưa khởi tố vụ án có thể ảnh hưởng đến quyền công dân. Ông nghĩ sao?

- Tham nhũng thường chỉ xảy ra với những người có chức vụ quyền hạn, còn những người làm việc ngoài nhà nước cũng có nhưng ít hơn. Như tôi nói ở trên, đã là cán bộ, đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu.

Các biện pháp như cấm xuất cảnh, phong toả, kê biên tài sản khi được áp dụng sớm, sẽ giúp điều tra tham nhũng tốt hơn; đợi tới khi khởi tố vụ án hình sự mới áp dụng thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán hết rồi. Nếu sau này có trường hợp vi phạm quyền công dân thì giải quyết bồi thường, đều bù theo quy định. Nhưng nếu cơ quan chức năng chứng minh được đó là tài sản do tham nhũng mà có, Nhà nước sẽ tịch thu số tài sản này.

Lâu nay tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn khiêm tốn, cho áp dụng sớm biện pháp nghiệp vụ thì sẽ giúp khắc phục vấn đề này.

Ủng hộ đánh thuế 45% tài sản bất minh

- Cũng liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, dự thảo Luật quy định, trường hợp cán bộ bị phát hiện có tài sản lớn hơn phần đã kê khai hoặc không giải trình một cách hợp lý phần tăng thêm, thì sẽ bị đánh thuế thu nhập cá nhân 45%. Ông đánh giá như thế nào về biện pháp này?

- Ở đây chúng ta phải phân biệt hai trường hợp. Một là tài sản do tham nhũng mà có thì dứt khoát phải tịch thu. Hai là những loại tài sản tuy không được giải trình hợp lý, nhưng cũng chưa chứng minh là nó có nguồn gốc từ tham nhũng, thì chúng ta vẫn thừa nhận đó là tài sản của cá nhân.

Cơ quan chức năng không tịch thu loại tài sản thứ hai, tuy nhiên phải đánh thuế vì theo quy định, người có thu nhập là phải đóng thuế. Trong trường hợp cụ thể này, anh kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý phần chênh lệch thì tôi đánh thuế thu nhập cá nhân khối tài sản của anh với thuế suất 45%. 

Bên cạnh biện pháp đánh thuế, hiện có thêm phương án xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm. 

Tôi cho rằng đánh thuế thì hợp lý hơn là xử phạt hành chính. Bởi vì khối tài sản này là từ trước đến nay anh chưa kê khai để nộp thuế, bây giờ anh phải nộp; còn muốn xử phạt hành chính thì phải chứng minh vi phạm của anh như thế nào.

- Với nhiều cán bộ, công chức, tài sản không chỉ được hình thành từ lương mà còn từ làm thêm hợp pháp, tích lũy, được tặng cho, thừa kế trong gia đình. Vậy theo ông, áp dụng quy định đánh thuế 45% nêu trên như thế nào cho hợp lý? 

- Quan điểm của tôi là không được truy thu với tài sản hình thành từ khi Luật có hiệu lực trở về trước, tức là không hồi tố. Ví dụ tài sản của một người tích lũy qua nhiều thế hệ, do những điều kiện nào đó mà họ muốn giấu, đó là quyền về tài sản, quyền bí mật đời tư.

Kể từ thời điểm Luật có hiệu lực, tài sản tăng thêm anh phải có giải trình rõ ràng, nếu không thì đương nhiên sẽ bị đánh thuế.



Tin tức liên quan

  • TP.HCM kỷ luật 201 đảng viên vi phạm
  • Thứ Hai, ngày 23/7/2018 - 12:27
  • (PLO)- Trong sáu tháng đầu năm 2018, tổng số đảng viên ở TP.HCM bị thi hành kỷ luật là 201 người bằng các hình thức: khiển trách 154 người, cảnh cáo 37 người, cách chức 5 người và khai trừ 5 người.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn